Xác định tình tiết tăng nặng “tái phạm” trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa

Thứ năm - 09/02/2023 22:42
Qua công tác kiểm tra các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án của các đơn vị cấp huyện, tôi thấy còn có một số đơn vị lúng túng trong việc xác định người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa có tái phạm hay không. Vì vậy trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến "tái phạm" trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

 

          Tại khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính (Năm 2012, sửa đổi, bổ sung các năm 2014, 2017, 2020) quy định "Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó".

          Như vậy để xác định một người có tái phạm hay không cần phải đồng thời thỏa mãn ba điều kiện:

          - Thứ nhất là đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đây là căn cứ pháp lý đầu tiên mà chúng ta phải chú ý để từ đó thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến quyết định này.

          - Thứ hai là chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính như sau: 1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. 2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính . Cách tính hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định tại Điều 108 Luật xử lý vi phạm hành chính (1. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hết thời hiệu thi hành sau 6 tháng, kể từ ngày  quyết định có hiệu lực pháp luật. 2.Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hết thời hiệu thi hành sau 01 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật. 3.  Trong trường hợp người phải chấp hành quyết định cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành, thì thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này  được tính kể từ thời điểm hành vi trốn tránh chấm dứt).

          - Thứ  ba là "lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó". Điều này có thể bắt nguồn từ tính chất mức độ "nguy hiểm cho xã hội " "không đáng kể" của hành vi vi phạm hành chính nên Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ coi là tái phạm đối với những hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.

          Trên thực tế, nhiều đơn vị không áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm khi người vi phạm trước đó đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (cụ thể trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trước đó người vi phạm vừa chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính cai nghiện bắt buộc, chưa hết thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong); Ngược lại, có đơn vị lại áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm khi người vi phạm đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường trong khi chưa làm rõ hành vi vi phạm dẫn tới việc bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường trước đó (ví dụ trước đó người vi phạm do đánh nhau, trộm cắp, gây mất trật tự công cộng...bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường; đến lần vi phạm này được xác định là đối tượng nghiện và bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cai nghiện bắt buộc thì không thể xác định tái phạm do chưa thỏa mãn điều kiện thứ ba).

          Với phân tích trên, các đơn vị cần lưu ý đối với các trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì cần nghiên cứu kỹ các tài liệu trong hồ sơ hoặc nếu trong hồ sơ chưa đủ thì phải kiến nghị Tòa án cùng cấp để Tòa án ra văn bản yêu cầu cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cung cấp hồ sơ xác định có tình tiết tăng nặng tái phạm hay không, từ đó có cơ sở áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm và mức phạt cho phù hợp quy định pháp luật.

                                                                        Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Phòng 10- VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây