XỬ LÝ VẬT CHỨNG

Thứ năm - 04/10/2018 22:28

Thế nào là vật chứng

Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Nội dung quy định cho thấy vật chứng là tài sản (Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự), hoặc không phải là tài sản (giấy tờ không có giá, các loại dạng cật chất mang dấu vết tội phạm…);có thể phân loại như sau:

- Vật chứng là vật được dùng làm công cụ phạm tội, ví dụ: dao, kiếm, súng, gậy… được người phạm tội sử dụng để Cố ý xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác…

          - Vật chứng phương tiện phạm tội, ví dụ: mô tô, xe máy được người phạm tội sử dụng làm phương tiện đi chiếm đoạt tài sản của người khác…

- Vật mang dấu vết tội phạm, ví dụ: con dao dính máu nạn nhân, cái cốc có dấu vân tay, giấy tờ, sổ sách có chữ ký, chữ viết xác định việc người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác…

- Vật là đối tượng của tội phạm, ví dụ: vàng, bạc, đá quý, xe máy, ô tô, điện thoại… bị người phạm tội chiếm đoạt;

-Vật chứng là tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, ví dụ: ảnh của người bị xâm hại và người phạm tội, thư tín, video clip, là các phương tiện điện tử …mà những vật này giúp cho việc giải quyết vụ án theo luật định;

Xử lý vật chứng

Theo Điều 106 BLTTHS , vật chứng được xử lý  như sau:

- Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy khi:  Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được;

-  Bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy nếu Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản

- Giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai;

-  Trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; Trường hợp này chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp không có lỗi và không thuộc trường hợp phải tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự hiện nay, có một số khó khăn vướng mắc khi xử lý vật chứng, cụ thể:

1. Xử lý xe máy, ô tô, điện thoại di động khi người phạm tội bị xét xử về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, quy định tại điều 249 Bộ luật hình sự:

Ví dụ: Nguyễn Văn A từ TP Hải Dương sử dụng ô tô của mình đi đến TP Hải Phòng, mua được 01 gam hê rô in để sử dụng; khi về đến địa phận huyện Kim Thành, thì bị phát hiện bắt giữ, thu trong túi áo của A 01 gam hê rô in;

Quan điểm thứ nhất: Tịch thu xe ô tô, phát mại nộp ngân sách nhà nước; người có quan điểm này căn cứ việc Nguyễn Văn A dùng xe ô tô là phương tiện đi mua ma túy trái phép (không có xe ô tô, thì A không thể đến TP Hải Phòng để mua ma túy được); phải căn cứ Điều 106 khoản 2 điểm a BLTTHS để tịch thu phát mại nộp ngân sách nhà nước;

Quan điểm thứ hai (quan điểm của người viết) không tịch thu xe ô tô, phát mại nộp ngân sách nhà nước, mà tùy từng trường hợp để xử lý như sau: Trả lại cho A, nếu không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền; Giao cho Cơ quan thi hành án quản lý để đảm bảo thi hành án nếu áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền; Người theo quan điểm này căn cứ như sau: Tại điểm 3.1.Mục I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP quy định: “Tàng trữ trái phép chất ma túy” là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này. Mặt khác ô tô cũng là một trong các vật dụng để phục vụ công việc, sinh hoạt hằng ngày như các vật dụng khác; Trong vụ án cụ thể này Nguyễn Văn A  cất giấu bất hợp pháp 01 gam hê rô in trong túi áo, không cất giấu trong ô tô, ô tô không phải là phương tiện, công cụ phạm tội, đối tượng phạm tội, mang dấu vết phạm tội, nên không xử lý bằng hình thức tịch thu nộp ngân sách nhà nước; việc giao xe ô tô cho cơ quan thi hành án dân sự quản lý để đảm bảo việc thi hành án (trường hợp người phạm tội bị phạt bổ sung là phạt tiền) là phù hợp Điều 106 khoản 2 điểm c BLTTHS;

 

2. Xử lý xe máy, ô tô, điện thoại di động khi người phạm tội sử dụng tài sản này làm phương tiện phạm tội, nhưng xe máy, ô tô, điện thoại di động, đang được thế chấp, trả góp cho tổ chức tín dụng, ngân hàng, cá nhân khác.

Ví dụ: Ngày 1/5/2018 Nguyễn Văn A sử dụng ô tô giá trị 500 triệu đồng, làm phương tiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác; ôtô này được Avà vợ là chị Nguyễn Thị B thế chấp vay vốn 300 đồng tại Ngân hàng, đã trả được 50 triệu đồng; Số 250 triệu còn lại phải trả hàng tháng, hạn cuối cùng 1/5/2019; Giấy tờ gốc của xe ô tô (đăng ký, đăng kiểm, chứng nhận bảo hiểm) do Ngân hàng quản lý; Quá trình giải quyết vụ án, đại diện Ngân hàng đề nghị Cơ quan pháp luật trả lại xe ô tô cho Nguyễn Văn A để A tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với Ngân hàng;

Quan điểm thứ nhất: Tịch thu xe ô tô, phát mại; tiền phát mại chia làm 2 phần của Nguyễn Văn A và vợ chị B; phần của chị B, thì trả lại để chị tiếp tục thực hiện nghĩa vụ ngân hàng; phần của Nguyễn Văn A thì trả lại cho ngân hàng, số còn lại nộp ngân sách nhà nước;  Căn cứ của quan điểm này là: Nguyễn Văn A dùng xe ô tô là phương tiện phạm tội, phải căn cứ Điều 106 khoản 2 điểm a BLTTHS để tịch thu phát mại nộp ngân sách nhà nước; Nhưng phải trả cho Ngân hàng trước để đảm bảo quyền hợp pháp cho tổ chức (ngân hàng không có lỗi);

Quan điểm thứ hai: không tịch thu phát mại xe ô tô, nộp ngân sách nhà nước, bởi ô tô đang được thế chấp hợp pháp tại ngân hàng, trong thời hạn hợp đồng, hai bên đang thực hiện hợp đồng; trường hợp này cần giao lại cho bị cáo để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đề nghị của ngân hàng. (ngân hàng không có lỗi);

Quan điểm thứ ba: Tịch thu phát mại nộp ngân sách phần giá trị xe thuộc quyền sở hữu của A; quan điểm này xuất phát từ căn cứ: Ô tô là sở hữu chung Nguyễn Văn A, Nguyễn Thị B và Ngân hàng; Nguyễn Văn A đang quản lý sử dụng, chị B và Ngân hàng không có lỗi; tịch thu phát mại nộp ngân sách phần giá trị thuộc quyền sở hữu của A vừa dảm bảo được nguyên tắc xử lý vật chứng, vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Chị B và Ngân hàng, không thể căn cứ đề nghị của ngân hàng để trả lại ô tô cho Nguyễn Văn A được, khi có tranh chấp giữa ngân hàng và vợ chồng Nguyễn Văn A sẽ giải quyết theo trình tự khác; nhưng phải định giá xe ô tô ngay từ khi thu giữ, sau đó chuyển lại cho chị B nếu chị B đủ điều kiện khai thác sử dụng hoặc cho Ngân hàng quản lý sử dụng;

Chúng tôi cho rằng, mỗi quan điểm đều có tính hợp pháp, hợp lý nhất định; theo quan điểm thứ nhất có thể dẫn tới việc giá trị xe sau khi phát mại không đủ để trả cho ngân hàng nên không thể tịch thu nộp ngân sách nhà nước được và như vậy về bản chất không có tiền nộp Ngân sách nhà nước. Theo quan điểm trả lại tài sản cho  Ngân hàng, thì chỉ bảo đảm được nguyên tắc thỏa thuận trong dân sự, ưu tiên thứ tự phát sinh quyền và nghĩa vụ hợp pháp, không thực hiện được nguyên tắc phương tiện phạm tội phải được xử lý bằng hình thức tịch thu;

Quan điểm thứ ba (quan điểm người viết) sẽ là phù hợp với tiết a điểm 5 Mục I Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998, hướng dẫn một số vấn đề bảo quản, xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự quy định:  Vật chứng là tài sản được cầm cố, thế chấp hợp pháp cho một hoặc nhiều bên mà hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản vẫn còn thời hạn, thì tuỳ trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho một hoặc nhiều bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp (người có tài sản cầm cố, thế chấp, người nhận cầm cố, thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản cầm cố, thế chấp) tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó. Tuy nhiên Thông tư 06/1998 ban hành trên cơ sở các Điều 56, 57, 58, 120 và 121 của Bộ Luật tố tụng hình sự 2003, các điều từ Điều 329 đến Điều 362 và các điều từ Điều 453 đến Điều 455 của Bộ luật Dân sự 2005 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong khi BLTTHS 2003, Bộ luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực thi hành.

Như vậy, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành hướng dẫn về việc xử lý vật chứng, thì thông tư 06/1998 vẫn có thể  áp dụng được khi  khi giải quyết vụ án hình sự có người phạm tội sử dụng ô tô, xe máy… làm phương tiện phạm tội; khi tài sản này đang cầm cố, thế chấp tại Ngân hàng. Trong mọi trường hợp phải xác định chủ sở hữu hợp pháp là sở hữu chung; Ngân hàng phải được tham gia tố tụng với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, quy định tại Điều 65 BLTTHS 2015; Cơ quan điều tra phải định giá tài sản để giải quyết vụ án, đảm bảo nguyên tắc xử lý vật chứng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo Luật định.

                                                                                                           Nguyễn Quang Trung
P7 – VKSND tỉnh Hải Dương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây