- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Điều 96. Giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.
2. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Giáo dục tại trường giáo dưỡng buộc người phạm tội phải chịu sự quản lí chặt chẽ và phải cách li khỏi xã hội nhưng họ được học tập văn hoá và nghề nghiệp. Tại đây, họ rèn luyện và cải tạo lối sống trước đây của mình để trở thành công dân có ý thửc pháp luật đầy đủ trong tương lai. Họ không bị giam giữ như trong trường hợp bị áp dụng hình phạt tù.
Về thẩm quyền áp dụng: thuộc Toà án nhân dân khi xét xử, Bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Về điều kiện áp dụng khi có đủ các điều kiện sau:
+ Khi thực hiện hành vi phạm tội và khi bị kết án phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Theo Điều 9 BLHS: tội phạm được phân thành 04 loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, Tội phạm nghiêm trọng, Tội phạm rất nghiêm trọng, Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật hình sự không quy định phạm loại tội nào thì được áp dụng hoặc không được áp dụng biện pháp giáo dục tư pháp Đưa vào trường giáo dưỡng, mặt khác hiện nay chưa có trường giáo dưỡng dành riêng cho người dưới 18 tuổi phạm tội, do vậy nghiên cứu Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính, thấy rằng: đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng có thể là: người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi; trừ trường hợp người đó đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
+ Người dưới 18 tuổi phạm tội không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, quy định tại Điều 29 của Bộ luật hình sự, không thuộc trường hợp có thể được các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án áp dụng, đó là: biện pháp Khiển trách (Điều 93), Hoà giải tại cộng đồng (Điều 94), Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).
+ Tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội; Nhân thân và môi trường sống của người dưới 18 tuổiphạm tội: Bộ luật hình sự không có quy định riêng về tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, để nhận diện áp dụng đúng nội dung này, cần tiếp cận từ các nội dung: tính chất lỗi của bị cáo (cố ý hay vô ý), động cơ, mục đích phạm tội, mức độ tham gia đồng phạm (vụ án có đồng phạm), đối tượng bị cáo xâm hại hậu quả tội phạm (tuổi bị hại, thiệt hại sức khoẻ, tài sản, danh dự….) , thời gian, không gian địa điểm phạm tội, công cụ phương tiện phạm tội…các biện pháp giảm thiểu hậu quả tội phạm…, môi trường sống cũ không có điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi phạm tội, như: trong gia đình có bố, mẹ, anh, chị hoặc em là người có tiền án hoặc người thường xuyên vi phạm pháp luật; bản thân người dưới 18 tuổi không có chỗ học tập, lao động, sinh sống ổn định, đã sớm có lối sống không lành mạnh.
Ví dụ: Thấy xe máy giá trị 20 triệu đồng của người khác để ven đường, bị cáo 17 tuổi đã lấy trộm làm phương tiện đi lại. Sau khi bị phát hiện, bị cáo đã trả lại xe máy cho bị hại, ngoài hành vi này, bị cáo không có hành vi vi phạm, phạm tội khác. Trường hợp này Toà án có thể áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với bị cáo.
Cũng ví dụ trên, nếu bị cáo đã nhiều lần vi phạm pháp luật, được gia đình và cơ quan có thẩm quyền giáo dục, nhưng vẫn tái phạm, thì có thể Toà án không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với bị cáo.
Về thời gian áp dụng: từ 01 năm đến 02 năm: phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Về nơi thi hành biện pháp tư pháp: trường giáo dưỡng do Bộ Công an quyết định việc thành lập, sáp nhập hoặc giải thể trường giáo dưỡng (Nghị định 02/2014/NĐ-CP ngày 10/01/2014)
Về nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp: chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Về nghĩa vụ của trường giáo dưỡng khi thi hành biện pháp tư pháp: quản lý, giáo dục, đề nghị Toà án chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người được giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ
Hậu quả pháp lý: Người bị Toà án quyết định đưa vào trường giáo dưỡng được coi là không có án tích (Điều 107 BLHS)
Giáo dục tại trường giáo dưỡng, là biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS); Để thực hiện thống nhất pháp luật qua đó thực hiện được nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, chúng tôi cho rằng Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn việc áp dụng Điều 96 Bộ luật hình sự.
Nguyễn Quang Trung, Phạm Văn Vững Phòng 7 - VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.