Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 - ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống các nguyên tắc cơ bả
Thứ hai - 16/05/2016 23:50
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 với 510 điều chia làm 9 phần, 36 chương có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015; được xây dựng trên cơ sở khoa học, tiếp thu những tiến bộ và rút kinh nghiệm thực tiễn áp dụng trong đời sống xã hội. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc đấu tranh với các loại tội phạm, giải quyết những vướng mắc và bất cập trong cuộc sống; là một đạo luật quan trong trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, bảo vệ công lý và phục vụ nhân dân. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013; tăng cường trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Trong phạm vi bài viết, chỉ đề cập đến một số quy định mới về “những nguyên tắc cơ bản” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để làm rõ hơn những điểm mới so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Những nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được quy định tại Chương II, có 27 điều (từ Điều 7 đến Điều 33). So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định mới 05 nguyên tắc cơ bản được đặt trong 05 điều luật, cụ thể: Điều 11: Công dân Việt Nam không bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; Điều 13: Suy đoán vô tội; Điều 14: Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm; Điều 26: Tranh tụng trong xét xử được đảm bảo; Điều 33: Kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự.
1. Nguyên tắc công dân Việt Nam không bị trục xuất, giao nộp cho cơ quan nhà nước khác.
Điều 11 Bộ luật TTHS năm 2015, quy định: “Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác”
Quy định công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác, được xây dựng trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác”. Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa trong bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trên cơ sở được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
2. Nguyên tắc suy đoán vô tội
Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015, quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”
Quy định này được hiểu là người đã bị Tòa án buộc tội bằng một bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, nhưng đã được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ chứng minh người đó không thực hiện hành vi phạm tội và tài liệu chứng cứ chứng minh người đó không phạm tội phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật TTHS. Quy định này còn được áp dụng đối với 02 đối tượng là người đã bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố với bị can, hoặc bị Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử với tư cách bị cáo khi không có chứng cứ để xác định người đó thực hiện hành vi phạm tội thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận họ không có tội; hoặc hành vi trái pháp luật của người đó không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm.
Nguyên tắc suy đoán vô tội là quy định mới của Bộ luật TTHS 2015 là quy định tiến bộ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và quyền con người.
3. Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm
Điều 14, Bộ luật TTHS, quy định: “Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm”. Bộ luật TTHS quy định nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội đảm bảo chính sách pháp luật hình sự của nhà nước là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì chỉ bị xử lý một lần. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc này góp phần tích cực trong việc phòng chống oan sai, hạn chế việc cơ quan tiến hành tố tụng quy kết người không phạm tội; đồng thời kế thừa phát huy mặc tích cực của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định tại khoản 4 điều 107, những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự: “Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật”
4. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo
Nguyên tắc này được quy định tại điều 26, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng (người bị buộc tội, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp, người làm chứng, người giám định) đều có quyền bình đẳng trước pháp luật trong việc đưa ra và đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
- Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm tính hợp pháp về nội dung và hình thức của tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án đã được đóng dấu bút lục thống kê đưa vào trong hồ sơ vụ án trước khi chuyển hồ sơ đến Tòa án để xét xử. Quy định những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng phải có nghĩa vụ đến phiên tòa; trường hợp vắng mặt phải có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định; Tòa án (Hội đồng xét xử) phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác tranh tụng dân chủ, bình đằng trước Tòa án.
- Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng chứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải tranh luận làm rõ tại phiên tòa
- Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa; phải trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và ý kiến của những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa để quyết định.
5. Nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự
Nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự là một nguyên tắc rất quan trọng được quy định tại điều 33 của Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra các hoạt động tố tụng thuộc phạm vi của mình để kịp thời phát hiện và phòng ngừa sai phạm. Bộ luật tố tụng năm 2015 cũng đưa 03 chủ thể được quyền giám sát, kiến nghị gồm: Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động tố tụng và có quyền giám sát khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Quyền kiến nghị nếu trong quá trình thực hiện chức năng giám sát hoạt động tố tụng mà phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì có quyền kiến nghị và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị.
Kiểm tra trong hoạt động tố tụng thuộc trách nhiệm của Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên kiểm tra việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền để ngăn ngừa và khắc phục khi có sai phạm; giám sát trong hoạt động tố tụng thuộc trách nhiệm của Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử và có quyền kiến nghị nếu phát hiện vi phạm.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ra đời ngày càng hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc cơ bản, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án hình sự trong điều kiện của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Việc tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc cơ bản của được quy định trong Bộ luật TTHS là trách nhiệm, nghĩa vụ của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, góp phần tích cực vào việc đưa pháp luật vào cuộc sống xã hội, bảo đảm pháp luật xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân.