Các trường hợp khi xảy ra tai nạn giao thông, doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại

Thứ ba - 29/10/2024 05:51
Tai nạn giao thông là hiểm họa thường trực đối với mỗi người khi tham gia giao thông trên phạm vi cả nước. Mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông gây hậu quả về con người lẫn vật chất. Trước thực trạng đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, đồng thời nhận biết về quyền lợi bồi thường thiệt hại được xem là mục tiêu quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông trong các trường hợp sau:
1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại. Các hành vi này có thể bao gồm: đâm hoặc va chạm có chủ ý, phá hoại tài sản, sử dụng xe với mục đích gây thương tích, gây hại cho môi trường,... Những hành động này đều bị xem là vi phạm pháp luật và có thể chịu trách nhiệm hình sự, dân sự hoặc xử phạt hành chính tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả gây ra.
2. Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
3. Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ theo quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
5. Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật. Theo đó, tại Quyết định 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh thì trị số bình thường của nồng độ cồn là < 10.9 mmol/L. Như vậy, nếu người lái xe gây tai nạn giao thông làm thiệt hại về tài sản cho người thứ ba do trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ 10.9 mmol/L trở lên sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường. Tuy nhiên, quy định này không loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của công ty bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người thứ ba hoặc hành khách trên xe. Tức là, đối với thiệt hại về sức khỏe và tính mạng thì dù người lái xe gây thiệt hại do nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá mức trị số bình thường thì công ty bảo hiểm vẫn phải bồi thường.
6. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
8. Thiệt hại do chiến tranh, khủng bố, động đất.
Hình ảnh minh hoạ
Để hạn chế tối đa tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và của xã hội. Hơn ai hết, mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông; rất cần có sự tăng cường nhiều mặt và đẩy mạnh hiệu quả công tác tuần, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Như vậy mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông trong thời gian tới mới chuyển biến tích cực.
                                       Nguyễn Phương Thảo
VKSND TP. Hải Dương (tổng hợp)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây