Các vùng biển và Quy chế pháp lý đối với các vùng biển theo công ước Quốc tế về luật biển năm 1982
Thứ tư - 19/11/2014 20:39
Trước khi Công ước luật biển 1982 ra đời, các vùng biển và quy chế pháp lý đối với các vùng biển của các quốc gia được xác định theo tập quán quốc tế, các phán quyết của Toà án quốc tế và một số Điều ước quốc tế riêng biệt. Theo đó, việc phân chia các vùng biển không có một tiêu chuẩn chung, không mang tính thống nhất. Công ước luật biển 1982 ra đời không chỉ có ý nghĩa trong việc đưa ra tiêu chuẩn thống nhất để xác định các vùng biển và quy chế pháp lý đối với các vùng biển cho các quốc gia ven biển mà còn xác định và quy định quy chế pháp lý đối với các vùng biển quốc tế. Các vùng biển theo quy định của Công ước luật biển năm 1982 gồm:
1. Các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.
Các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia là các vùng biển được định danh pháp lý là lãnh thổ của quốc gia ven biển, ở đó quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ của mình được thể hiện. Theo công ước luật biển năm 1982 thì các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia gồm nội thủy và lãnh hải.
Để xác định nội thủy và lãnh hãi, trước hết cần xác định đường cơ sở. Đường cơ sở (baseline) là ranh giới trong của lãnh hải, là đường được vạch ra để xác định chiều rộng lãnh hải. Việc vạch đường cơ sở theo Công ước luật biển năm 1982 tùy theo thực tiễn địa hình bờ biển các nước có thể thực hiện bằng một trong hai phương pháp: đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Đường cơ sở thông thường được quy định tại Điều 5 của Công ước, áp dụng với các quốc gia có bờ biển thẳng, bằng phẳng, không có các đoạn lồi lõm ven bờ và đường cơ sở được vạch vào ngấn nước thủy triều xuống thấp nhất dọc theo hướng chung của bờ biển. Phương pháp đường cơ sở thẳng được quy định tại Điều 7 của Công ước, được áp dụng đối với các quốc gia có bờ biển thuộc ba trường hợp: những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; những nơi có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ. Nó được xác định là đường thẳng gãy khúc nối các điểm nhô xa nhất của các đảo ven bờ, của các mũi, các đỉnh chạy dọc theo chiều hướng chung của bờ biển lại với nhau tạo thành đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải.
1.1. Nội thủy (Internal waters)
Khoản 1 Điều 8 Công ước luật biển năm 1982 định nghĩa, nội thủy là “các vùng nước nằm ở phía bên trong đường cơ sở để tính chiều dài lãnh hải”. Trong nội thủy, chủ quyền của quốc gia ven biển là hoàn toàn và tuyệt đối. Vùng nước nội thủy bao gồm: vùng nước cảng biển, vũng tàu, cảng biển, cửa sông, vịnh, các vùng nước nằm giữa lãnh thổ đất liền và đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
Một quốc gia ven bờ có thể có một hoặc nhiều vùng nội thủy với chế độ pháp lý khác nhau đó là: nội thủy thông thường và nội thủy mà trong đó quyền đi qua không gây hại vẫn được tôn trọng. Nội thủy thông thường là các vùng nước nằm bên trong đường cơ sở để tính chiều dài lãnh hải, giáp với bờ biển như vịnh, cửa sông, vũng tàu…
1.2. Lãnh hải (Territorial waters)
Lãnh hải là vùng biển nằm giữa vùng nước nội thủy và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Điều 3 Công ước luật biển 1982 quy định: “Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình, chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước”. Chủ quyền trên lãnh hải không mang tính tuyệt đối như trong nội thủy vì ở đây tồn tại quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài (theo Điều 17 Công ước luật biển 1982). Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển.
2. Các vùng biển thuộc quyền chủ quyền quốc gia
2.1. Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous zone)
Vùng tiếp giáp lãnh hải (quy định tại Điều 33 Công ước) là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Tại đây, quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính chất riêng biệt và hạn chế đối với các tàu thuyền nước ngoài. Theo quy định của Công ước luật biển năm 1982 vùng tiếp giáp lãnh hải không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và là một bộ phận đặc thù của vùng đặc quyền kinh tế. Việc quy định vùng tiếp giáp lãnh hải và những thẩm quyền kiểm soát của quốc gia ven bờ nhằm những mục đích nhất định đã được quy định tại Điều 33 của Công ước.
2.2. Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic zone)
Vùng đặc quyền kinh tế được quy định tại Chương V của Công ước luật biển năm 1982. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng đã được quy định trong Công ước, theo đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển; các quyền và các quyền tự do của các quốc gia khác được quy định một cách thích hợp. Theo quy định của Công ước vùng đặc quyền kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy vùng đặc quyền kinh tế bao trùm lên cả vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng này hưởng quy chế kép.
2.3. Thềm lục địa (Continental shelf)
Theo định nghĩa của Công ước luật biển năm 1982 thì thềm lục địa pháp lý của một quốc gia ven biển được xác định bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn; nếu bờ ngoài của rìa lục địa vượt quá khoảng cách 200 hải lý thì ranh giới ngoài của thềm lục địa cũng không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2500m không quá 100 hải lý. Theo quy định của Công ước, quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình và có những quyền tài phán nhất định theo quy định của Công ước. Ngoài những quyền trên thì trong thềm lục địa các quyền tự do hàng hải, hàng không, lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm của các quốc gia khác được tôn trọng và bảo đảm.
3. Các vùng biển quốc tế
3.1. Biển cả (High sea)
Biển cả là tất cả các vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Quy chế pháp lí của Biển cả dựa trên nguyên tắc tự do biển cả: “Biển cả” là tự do và được dành cho tất cả các quốc gia và công dân của các quốc gia đó. Nghĩa vụ và quyền của các quốc gia đối với “biển cả” được quy định tại Phần VII Công ước luật biển năm 1982.
3.2. Đáy đại dương (Deep ocean floor)
Đáy đại dương là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia. Tài nguyên của đáy đại dương bao gồm tài nguyên khoáng sản ở thể rắn, lỏng hoặc khí, kể cả các khối đa kim nằm ở dưới đáy đại dương và trong lòng đất dưới đáy. Đáy đại dương và tài nguyên của nó là di sản chung của loài người. Nó không phải là đối tượng của sự chiếm hữu và được sử dụng vào mục đích chung của loài người.
Có thể thấy, Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 quy định về các vùng biển và quy chế pháp lý đối với các vùng biển trên cơ sở sự dung hòa lợi ích quốc gia và quốc tế. Đây là Điều ước quốc tế quy định một cách đầy đủ và toàn diện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia (có biển, không có biển hay bất lợi về mặt địa lý...) trong việc sử dụng biển và đại dương.