Cơ sở pháp lý, nội dung quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam

Thứ năm - 04/07/2024 20:53
Sau khi đất nước thống nhất đất nước, chúng ta bắt tay vào xây dựng nền kinh tế, nhưng hậu quả của chiến tranh để lại khiến nước ta gặp những khó khăn nhất định về kinh tế - xã hội. Cùng với sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình” đòi hỏi nước ta phải tiến hành cải cách đổi mới toàn diện.
Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá IV (tháng 9/1979) được ghi nhận là mốc khởi đầu của công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta. Đảng ta đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Đến Hội nghị Trung ương 6 khoá V (tháng7/1984) và Hội nghị Trung ương 7 khoá V (tháng12/1984) Ban chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định, điều quan trọng nhất đối với nước ta là phải xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển toàn bộ nền kinh tế sang hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam. Đại hội khẳng định quan điểm đổi mới kinh tế là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần và chuyển sang sản xuất hàng hoá; kiên quyết xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý có kế hoạch, theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; cả nước là một thị trường thống nhất, có nhiều thành phần kinh tế tham gia; nhà nước bỏ quyền định giá, giữ giá, thay vào đó điều tiết giá bằng công cụ kinh tế.
Đại hội VII (tháng 6/1991) tiếp tục nói rõ hơn chủ trương này và khẳng định đây là chủ trương chiến lược, là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng khẳng định“Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.
Thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới nền kinh tế, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Đảng, từ đầu thập niên 1990, nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo luật để tạo hành lang pháp lý cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển như: Luật công ty năm 1990 với 5 chương và 46 điều đã bước đầu đặt nền móng quy định về Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần; Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990, tại Điều 1 quy định “nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật với các doanh nghiệp khác”. Đến Hiến pháp năm 1992 ghi nhận: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần với các hình thức sản xuất kinh doanh đa dạng, dựa trên sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân (Điều 19), “Các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật”. Đến năm 1999, nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp thay thế cho Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990….
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Quyền tự do kinh doanh của công dân đã được ghi nhận đầy đủ để tạo cơ sở pháp lý cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định“Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Bởi vậy, quyền tự do kinh doanh của công dân là một quyền hiến định. Điều 50 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “quyền tự do kinh doanh của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Cá nhân có quyền lực chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê người lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Tại khoản 1 Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định “Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ các trường hợp không được thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp). Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp có quyền “tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Do vậy, có thể nói tới thời điểm hiện nay pháp luật Việt Nam đã ghi nhận sâu rộng cơ sở pháp lý quyền tự do kinh doanh, bao trùm nhiều lĩnh vực và hoạt động khác nhau, nội dung quyền tự do kinh doanh thể hiện ở những điểm cơ bản là:
- Quyền tự do chọn ngành nghề kinh doanh (trừ những ngành nghề bị pháp luật cấm), đối với những ngành nghề kinh doanh pháp luật yêu cầu phải đảm bảo điều kiện thì phải đáp ứng đủ điều kiện.
- Được tự do lựa chọn mô hình kinh doanh như Hộ kinh doanh cá thể, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty Hợp danh…(nếu công dân không thuộc những trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của luật doanh nghiệp);
-  Được tự do lựa chọn quy mô kinh doanh (lớn, nhỏ, vừa như công ty, tập đoàn, số vốn đầu tư nhiều hay ít, quy mô nhà xường, số lượng người lao động…);
- Được tự do quyết định vốn đầu tư, hình thức huy động vốn (vay vốn các tổ chức tín dụng, kêu gọi góp vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu…);
- Quyền tự do lựa chọn khách hàng, đàm phán thoả thuận, giao kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật thương mại và các đạo luật khác có liên quan;
- Quyền tự do thực hiện các hoạt động thương mại theo quy định của luật thương mại như: Mua bán hàng hoá; Đại lý thương mại; Quảng cáo; Trung gian thương mại; Đại diện cho thương nhn;
- Quyền tự do cạnh tranh theo quy định của luật cạnh tranh theo quy định tại Điều 5 Luật cạnh tranh năm 2018.
                                                              Nguyễn Quang Hưng
VKSND huyện Thanh Hà
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây