Điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về Tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn “Truy tố”

Thứ hai - 25/04/2016 22:19
Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 với rất nhiều điểm mới, sửa đổi, bổ sung một cách căn bản và toàn diện so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong đó, một điểm mới quan trọng là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã phân định mạch lạc, chính xác các giai đoạn tố tụng; quy định đầy đủ, cụ thể trình tự, thủ tục các hoạt động tố tụng trong mỗi giai đoạn.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, chỉ quy định về tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can tại Điều 169. Theo đó quy định các căn cứ Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, trường hợp tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, mà không có quy định khi căn cứ tạm đình chỉ không còn thì việc tiếp tục giải quyết vụ án được thực hiện như thế nào (thẩm quyền phục hồi, thời hạn, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn...). Điều này dẫn đến vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ. Chẳng hạn, trong vụ án có nhiều bị can, sau khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố, một bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu. Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra truy nã và ra quyết định tạm đình chỉ đối với bị can đó. Và ra bản cáo trạng, truy tố các bị can khác để xét xử theo thủ tục chung. Sau đó, bị can bỏ trốn ra đầu thú, theo nguyên tắc chung thì Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ, nên Viện kiểm sát sẽ ra quyết định phục hồi vụ án đối với bị can. Nhưng có một số vấn đề đặt ra là:
Thứ nhất: thời hạn giải quyết khi phục hồi vụ án đối với bị can trong trường hợp này như thế nào.
Thứ hai: Viện kiểm sát có cần trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành thêm một số hoạt động điều tra trước khi ra cáo trạng truy tố bị can không? (Ví dụ: yêu cầu tra cứu, hỏi cung bị can, xác minh trong thời gian bị can trốn có hành vi vi phạm pháp luật hoặc phạm tội khác hay không....?)
Thứ ba: việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với bị can khi phục hồi vụ án được thực hiện theo quy định nào (về thẩm quyền, về thời hạn...)
Do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không quy định cụ thể, nên việc giải quyết vụ án trong trường hợp này không thống nhất. Có trường hợp Viện kiểm sát trả lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra, ra bản Kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát truy tố theo thủ tục chung. Có trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, tiến hành xác minh,... và truy tố bị can. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không những gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của bị can (liên quan đến thời hạn tố tụng, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn...)
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Ngoài việc quy định các căn cứ Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung một điều luật quy định về việc “Phục hồi vụ án” (Điều 249). Theo đó, khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn quyết định việc truy tố khi phục hồi vụ án được tính theo thủ tục chung (theo thời hạn truy tố nói chung), kể từ ngày Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án. Viện kiểm sát quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với bị can, trường hợp cần tạm giam thì thời hạn tạm giam không được quá thời hạn truy tố. Bên cạnh đó, Điều 236 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố. Đây là căn cứ để Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố (như hỏi cung bị can, xác minh trong quá trình bị can bỏ trốn có vi phạm pháp luật, phạm tội khác hay không...). Trường hợp qua điều tra, Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện, xác định bị can còn phạm tội khác chưa được khởi tố, điều tra, Viện kiểm sát có quyền ra quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra.
Như vậy, những quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quy định về tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Là cơ sở pháp lý quan trọng để Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố nói chung và trong việc giải quyết các vụ án tạm đình chỉ trong giai đoạn truy tố nói riêng. Đảm bảo sự công khai, minh bạch, thống nhất trong việc xây dựng và triển khai thực hiện pháp luật.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây