- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Kể từ ngày 01/01/2022, Luật phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021 có hiệu lực thi hành, thay thế Luật phòng chống ma túy số 23/2000/QH10; theo đó đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng thay đổi.
Trước đây theo khoản 1 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 thì "Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định"
Ngày 13/11/2020, kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XVI thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó khoản 1 Điều 96 được sửa đổi như sau: "Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy".
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2022, việc xác định đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mà theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Theo đó, Điều 32 quy định về Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:
"Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện."
Đây là một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy, xin giới thiệu để các đồng nghiệp cùng nắm bắt trong quá trình kiểm sát giải quyết việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính cai nghiện bắt buộc của Tòa án và các cơ quan hữu quan.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh Phòng 10 VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.