Điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013

Thứ tư - 15/10/2014 05:27
          Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 (gọi tắt là Hiến pháp 2013) là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Ở phạm vi bài viết này, xin giới thiệu những điểm mới cơ bản trong nhận thức cũng như cách thức thể hiện về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013.
          Trong Hiến pháp 2013, “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được quy định tại chương II, từ điều 14 đến điều 49. So với 10 chương còn lại, đây là chương có số điều quy định nhiều nhất (36/120 điều) và cũng là chương có nhiều điểm mới nhất, cụ thể:
          Thứ nhất, Hiến pháp 2013 đã đưa Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ Chương V trong Hiến pháp 1992 về vị trí Chương II chỉ sau Chương chế độ chính trị. Việc thay đổi vị trí này không đơn thuần là sự thay đổi về thứ tự, bố cục mà còn mang ý nghĩa là sự thay đổi về nhận thức, tư duy. Ta vẫn biết, Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” nên chủ quyền nhân dân luôn luôn được đề cao ở mọi khía cạnh, vì thế mà quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng phải được xác định ở vị trí quan trọng hàng đầu của một bản Hiến pháp. Đây cũng chính là sự đề cao nhân tố con người trong công cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.
          Thứ hai, Hiến pháp 2013 quy định rõ quyền nào là quyền con người, quyền nào là quyền công dân. Theo đó, quyền con người được hiểu là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra, còn quyền công dân trước hết cũng là quyền con người nhưng việc thực hiện được gắn với quốc tịch, tức là gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với nhà nước và được nhà nước bảo đảm. Hầu hết các điều trong chương này thay vì sử dụng từ “công dân” như Hiến pháp 1992 đã sử dụng từ “mọi người” và “không ai”. Điều này mang ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức khi không còn đồng nhất hai quyền này làm một. Đồng thời, cũng xác định rõ nguyên tắc và điều kiện thực thi quyền công dân trong các điều luật cụ thể như: “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”, “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác” hay “công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội, có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc”…
          Thứ ba, Hiến pháp 2013 còn quy định một số quyền mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như một sự khẳng định mạnh mẽ mọi công dân Việt nam đều có quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, được Nhà nước bảo hộ, không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Điều 17). Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (Điều 19). Mọi người đều có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43)…
          Mọi người đều có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định và không bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc quy định như vậy thể hiện bước tiến mới trong tư duy Nhà nước pháp quyền, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cụ thể là Công ước quyền con người về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội năm 1966 của Liên hợp quốc.
          Thứ tư, so với các bản hiến pháp trước đây, lần đầu tiên Hiến pháp 2013 quy định rõ Nhà nước có trách nhiệm phải “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Khi quy định về quyền con người, quyền công dân ở hầu hết các điều trong Hiến pháp 2013 đều quy định trực tiếp “mọi người có quyền…” hoặc “công dân có quyền…” khẳng định đây là những quyền mặc nhiên, vốn có của con người, của công dân được Hiến pháp ghi nhận và Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm các quyền này chứ không phải Nhà nước “ban phát” cho con người, cho công dân. Các quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong các trường hợp đặc biệt. Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây chính là nguyên tắc hiến định quan trọng về quyền con người, quyền công dân mà không một chủ thể nào có quyền tùy tiện cắt xén hoặc hạn chế.
          Như vậy, có thể thấy nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không chỉ được quy định cụ thể tại Chương II mà còn là nội dung xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp 2013, nó thể hiện tầm quan trọng, sự thay đổi đáng kể trong tư duy cũng như nhận thức về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Vì vậy, việc quan trọng chính là để Hiến pháp sớm thực sự đi vào cuộc sống, đi vào “lòng dân” cũng là sự đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được thực thi một cách triệt để trong thực tế.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây