Ngày 25/11/2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật tố tụng hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016.
Luật TTHC năm 2015 gồm 23 chương, 372 điều, trong đó giữ nguyên 87 điều, sửa đổi bổ sung 175 điều và đặc biệt bổ sung 5 chương mới gồm 110 điều (so với luật TTHC năm 2010), quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.
Về thẩm quyền của Tòa án được quy định tại Chương II gồm 6 điều, từ điều 30 đến điều 35 (Luật cũ từ điều 28 đến điều 33). Tại chương này Luật tố tụng hành chính năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền của tòa án từng cấp để phù hợp với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Tại các Điều 31 , Điều 32 Luật tố tụng hành chính 2015 đã sửa đổi thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện với quy định cụ thể: Không xét xử những khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Điều 32 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ thục sơ thẩm những khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đồng thời việc xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện cũng được pháp điển hóa từ các văn bản hướng dẫn hiện hành, được quy định tại Điều 33 Luật tố tụng hành chính 2015.
Ngoài ra tại các quy định của điều 34, điều 35 Luật tố tụng hành chính năm 2015 cũng quy định rõ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, tòa án xác định vụ án đó không phải vụ án hành chính mà là vụ án dân sự và việc giải quyết vụ án này thuộc thẩm quyền của mình thì tòa án giải quyết vụ án đó theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng dân sự quy định. Nếu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án khác thì thẩm phán ra quyết định chuyển vụ án cho tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính.