Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến Pháp 2013
Thứ năm - 23/10/2014 20:55
Hiến pháp 2013 quy định Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất(Điều 107 khoản 3)
Trước đó Hiến pháp 1946 và 1960 không có quy định cụ thể.
Hiến pháp 1980 quy định: Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân (Điều 127)
Hiến pháp 1992 quy định nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân trong cùng một điều luật là: Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân ( Điều 126)
So với các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp 2013 đã bổ sung nhiệm vụ quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân là bảo vệ pháp luật, … góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. (khoản 3 Điều 107) và không quy định nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Điều luật đã quy định cụ thể nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân với nhiệm vụ của Toà án nhân dân ( Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ); đồng thời tiếp tục kế thừa về cơ bản quy định của Hiến pháp năm 1992 về Viện kiểm sát nhân dân với chức năng là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đây là một quy định mới phù hợp với chức năng Viện kiểm sát được giao đảm nhiệm, bởi vì Viện kiểm sát không chỉ có vai trò, trách nhiệm là một bên (bên buộc tội) như một số nước, mà còn có trách nhiệm chống làm oan người vô tội, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động tư pháp.
Nội dung nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp 2013
Về nhiệm vụ Bảo vệ pháp luật
Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là hệ thống quy tắc xử xử chung do nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành, là ý chỉ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, được nhà nước đảm bảo thực hiện chủ yếu bằng hình thức giáo dục thuyết phục. Pháp luật nước ta được ban hành dưới dạng văn bản, gồm có :1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. 2. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. 3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. 4. Nghị định của Chính phủ. 5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. 7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. 9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước. 10. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội. 11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. 12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ( Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ). Như vậy bảo vệ pháp luật chính là bảo vệ những quy định được ban hành tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên. Mọi hành vi vi phạm của bất kỳ cá nhân tổ chức nào đều phải bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Có thể hiểu, khi pháp luật chưa quy định thì Viện kiểm sát không thực hiện chức năng Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nội dung đó được điều chỉnh bằng các quy phạm khác như đạo đức, tôn giáo, văn hoá…Viện kiểm sát phải có trách nhiệm kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, xây mới cho phù hợp.
Về nhiệm vụ góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất
Pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, hay sự tuân thủ pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân trên Lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng chính là nội hàm của nguyên tắc Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Việc bảo vệ pháp luật, là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, được quy định tại điều 119 Hiến pháp; Với chức năng Hiến định, Viện kiểm sát nhân dân sẽ có điều kiện để góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, thông qua việc thực hiện quyền năng pháp lý như kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu trong hoạt động tư pháp; Đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật, kiến nghị với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiến tới xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định cụ thể này khi được tổ chức thực hiện hiệu quả, sẽ là tiền đề để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của Viện kiểm sát nhân dân.