Nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát trong tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Thứ ba - 28/06/2016 21:54
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015)  quy định về: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 159); Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 160).
Theo đó khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau: 1. Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ; phê chuẩn, không phê chuẩn các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật này; 2. Khi cần thiết, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện; 3. Quyết định gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố vụ án hình sự; 4. Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố vụ án hình sự; 5. Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong các trường hợp do Bộ luật này quy định; 6. Hủy bỏ quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; 7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật này nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.
Trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm Viện kiểm sát phải: Viện kiểm sát có trách nhiệm  chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết khi tiếp nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Viện kiểm sát phải thực hiện hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kiểm sát việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát việc phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm và trực tiếp kiểm sát nội dung trên theo Luật định; Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động: a) Tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm đầy đủ, đúng pháp luật; b) Kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; c) Cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; d) Khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm; đ) Yêu cầu thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật; Luật đã quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm; Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện kiểm sát không những chỉ có chức năng kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố mà còn có chức năng thực hành quyền công tố trong hoạt động này. Đồng thời một chức năng quan trọng nữa của Viện kiểm sát trong hoạt động này là Viện kiểm sát  được trực tiếp tiếp nhận và giải quyết tố giác tin báo về tội phạm. Theo khoản 2 Điều 145 BLTTHS năm 2015 thì “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. BLTTHS năm 2015 đã khắc phục được nhược điểm của BLTTHS 2003 khi quy định rõ trường hợp Viện kiểm sát được trực tiếp thực hiện việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm “Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục”.
Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, có thể thấy BLTTHS năm 2015 đã quy định nhằm đảm bảo cho Viện kiểm sát thực hiện tốt nhiệm vụ “chống làm oan, chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội” được Đảng và Nhà nước giao cho./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây