Những điểm mới trong luật thi hành tạm giữ, tạm giam so với pháp luật hiện hành
Thứ hai - 14/03/2016 23:34
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được thông qua ngày 25/11/2015 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Việc xây dựng, ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam là một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam nói riêng.
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam là văn bản pháp lý có hiệu lực cao điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý tạm giữ, tạm giam; bảo đảm quyền con người trong tạm giữ, tạm giam; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam hiện hành; khắc phục tình trạng tản mạn, hiệu lực hạn chế của các quy định về công tác quản lý tạm giữ, tạm giam; đồng thời, bảo đảm các nguồn lực cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tạm giữ, tạm giam.
Đáng chú ý là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã bổ sung các quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam so với quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể như sau:
Một là, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã xây dựng một điều (Điều 9) quy định cụ thể về tất cả những quyền mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng, những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền:
- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
- Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
- Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
- Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
- Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
Đồng thời, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có nghĩa vụ:
- Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành giam giữ;
- Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Trong Điều này đã quy định cụ thể về những quyền cơ bản nhất của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, còn một số quyền khác được quy định mang tính nguyên tắc được thực hiện nếu không bị hạn chế bởi Luật này hoặc các luật khác có liên quan.
Hai là, tại Điều 19 đã quy định cụ thể về các quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế khi bị tạm giữ, bị tạm giam, theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
Ba là, về quyền được gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp thân nhân trong quá trình bị tam giữ, tạm giam có ý nghĩa quan trọng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gặp thân nhân nếu được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý. Quy định này dẫn đến trong nhiều trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam. Tại Điều 22 đã thay thế quy định này bằng quy định người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; việc thăm gặp do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Việc gặp người bào chữa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Bốn là, tại Điều 35 đã quy định cụ thể về chế độ ăn, ở, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Đây là những quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và bảo đảm sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em. Cụ thể là, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là ba mét vuông. Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng.
Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
Năm là, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể hơn về chế độ quản lý giam giữ, đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên. Theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, bị tạm giam là người đã thành niên.
Sáu là, Đã quy định cụ thể về quyền được chăm sóc y tế của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp bị ốm đau, bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ; nếu bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng của cơ sở giam giữ thì được chuyển đến cơ sở chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương khám, điều trị. Cơ sở giam giữ phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, sử dụng thuốc, bồi dưỡng do cơ sở chữa bệnh chỉ định. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân và phải có đơn thuốc của thầy thuốc, chịu sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.
Bảy là, về chế độ mặc của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 28) quy định theo hướng trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn. Như vậy, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã được hoàn thiện, cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.