Những nội dung mới về "Nguyên tắc tranh tụng" trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)
Thứ tư - 18/11/2015 21:02
Vấn đề sửa đổi các quy định về tranh tụng trong tố tụng hình sự là đòi cần thiết, khách quan của việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự đã có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung về nội dung này, cụ thể như sau:
Tại Điều 26 dự thảo quy định: "Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan vụ án.
Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án hình sự do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ trước Tòa án.
Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định mức hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả thẩm tra chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa"
Như vậy, dự thảo lần này đã dành ra một điều riêng để quy định một cách cụ thể phạm vi tranh tụng được thực hiện xuyên suốt trong quá trình từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và nội dung tranh tụng cụ thể gồm "Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự ... các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa".
Đối với vấn đề tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, dự thảo đã quy định một cách thể tại Điều 318 về đối tượng tham gia tranh luận, nội dung được phép tranh luận gồm "Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ buộc tội, gỡ tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án". Đồng thời quy định rõ trách nhiệm một cách cụ thể là tại phiên tòa thì Chủ tọa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại và những người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và các ý kiến lặp lại. Về trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên tòa cũng được sửa đổi theo hướng nâng cao trách nhiệm, tăng tính chủ động, tích cực của Kiểm sát viên trong việc tranh tụng tại phiên tòa khi quy định "Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận".
Ngoài ra, vấn để đảm bảo việc duy trì "tranh tụng" trong các phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm cũng được dự thảo bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung tại các Điều 350, 382, 399.
Có thể khẳng định dự thảo lần này đã sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện về nguyên tắc tranh tụng và các điều kiện đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng hình sự; góp phần xây dựng Cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.