NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO; KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Thứ tư - 31/08/2016 04:39
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 dành toàn bộ Chương XXXIII, gồm 15 Điều, từ Điều 469 đến Điều 483 để quy định về khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập những vấn đề cơ bản về quyền khiếu nại, tố cáo, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của BLTTHS năm 2015.
1. Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại
+ Theo quy định của BLTTHS chủ thể của quyền khiếu nại trong TTHS gồm: Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự. Tại khoản 1 Điều 469 BLTTHS quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
+ Về thời hiệu khiếu nại:
- Khiếu nại lần đầu: là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng và cho rằng có vi phạm pháp luật.Trường hợp vì lí do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời gian có lí do bất khả kháng hoặc trở lại khách quan không tính vào thời hiệu.
- Khiếu nại lần 2: là 03 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại.
Về những trường hợp khiếu nại không được thụ lý: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể những trường hợp khiếu nại không được thụ lý nhưng căn cứ vào Điều 11 Luật khiếu nại thì đó là các trường hợp:
+ Quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
+ Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp.
+ Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về người đại diện hợp pháp của mình.
+ Thời hiệu khiếu nại đã hết.
+ Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.
- Về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại quy định tại Điều 472, người bị khiếu nại Điều 473, phù hợp với quy định tại Điều 12 Luật khiếu nại năm 2011.
- Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định các chủ thể có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, gồm: Viện trưởng VKSND các cấp; Chánh án tòa án nhân dân các cấp; Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra; Cấp trưởng Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
Trong đó:
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố do Viện trưởng VKSND cùng cấp giải quyết.
+ Khiếu nại quyết định bắt tạm giam trong giai đoạn xét xử do Chánh án Tòa án nhân dân giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết lần đầu, Viện trưởng VKSND cùng cấp giải quyết lần hai trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra bị khiếu nại, quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần hai đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết lần đầu. Viện trưởng VKSND cùng cấp giải quyết điều lần hai trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của cấp trưởng bị khiếu nại.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần hai do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu bị khiếu nại ( khoản 1, Điều 476 ).
Lưu ý:
- Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết.
- Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyên công tố, kiểm sát xét xử do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viên trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện Trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần hai do Chánh án Tòa án nhân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó tránh án Tòa án nhân dân cấp cao trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án cấp cao giải quyết lần đầu. Thẩm quyền giải quyết lần 2 do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương giải quyết.
+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,Thẩm phán và Thẩm tra viên công tác tại Tòa án quân sự trung ương. Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án quân sự trung ương giải quyết.
2. Về tố cáo và giải quyết tố cáo
- Người có quyền tố cáo: Là công dân.
- Về hình thức tố cáo: Người tố cáo có thể gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền.
- Về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo quy định tại Điều 479, người bị tố cáo quy định tại Điều 480, phù hợp với quy định tại Điều 9 của Luật tố cáo 2011.
- Về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Tuân thủ nguyên tắc người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào thì người đứng đầu cơ quan đó giải quyết.
- Trường hợp tố cáo về dấu hiệu tội phạm thì giải quyết theo quy định tại điều 145 BLTTHS.
3. Về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự (Điều 483)
BLTTHS năm 2015 quy định, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới. Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo Viện kiểm sát có những nhiệm vụ quyền hạn sau: Yêu cầu Cơ quan điều tra,Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Ra quyết định giải quyết khiếu nại;
- Ra văn bản giải quyết tố cáo;
- Tự kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình và cấp dưới, thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát;
- Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan tới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát.
- Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới;
- Ban hành kết luận kiểm sát, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.