- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Luật Người cao tuổi – Luật số 39/2009/QH12, quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật hình sự) không có Chương, mục riêng để quy định riêng người cao tuổi phạm tội hay người cao tuổi là đối tượng bị xâm hại, nhưng các quy định để đảm bảo xử lý người cao tuổi phạm tội hình sự hay người cao tuổi là người bị xâm hại, đã được quy định tại các Điều luật tương ứng; theo đó người từ đủ 70 tuổi trở lên thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật hình sự; cụ thể:
Nguồn Internet
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự : Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS.
Thực tiễn xét xử, người 60 tuổi trở lên, nhất là người dân tộc thiểu số, nông dân, sinh sống tại nông thôn, vùng núi, cơ quan tố tụng cần đánh giá toàn diện về điều kiện hoàn cảnh sống, sức khoẻ tại thời điểm hiện tại, nhận thức pháp luật…để áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS cho họ (Phạm tội do lạc hậu); hoặc các tình tiết khác như: giấy khen, chứng nhận, công nhận danh hiệu ông bà mẫu mực… là tình tiết giảm nhẹ ghi trong bản án.
Nếu người khác Cố ý phạm tội đối với người đủ 70 tuổi trở lên, thì họ phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS
Về hình phạt đối với Người đủ 75 tuổi trở lên cao nhất là tù Chung thân; Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử, Không thi hành án tử hình khi người bị kết án đã 75 tuổi (Điều 41 BLHS).
Tha tù trước hạn có điều kiện (Điều 66 BLHS) Người đủ 70 tuổi trở lên, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn; Sớm hơn 03 năm đối với hình phạt tù Chung thân và quy định đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm tội khác.
Về tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự
Người đủ 70 tuổi trở lên là Ông bà cha mẹ của người pham tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Che giấu tội phạm, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này. (Điều 18 Bộ luật hình sự);
Người đủ 70 tuổi trở lên là Ông bà cha mẹ của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 19 Bộ luật hình sự);
Về tình tiết phạm tội đối với người già yếu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Người già yếu bị xâm hại sức khoẻ trong vụ án Cố ý gây thương tích quy định tại điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, có phải là người cao tuổi hay không?
Luật người cao tuổi quy định: Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Thực tiễn hiện nay khi Nhà nước ta đang tăng cường chính sách về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, trong đó người cao tuổi càng được quan tâm; tuổi thọ của người Việt Nam năm 2020 là 73,7 tuổi (Báo Điện tử Chính phủ ngày 6/01/2021); Tuổi nghỉ hưu người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 (Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021), dẫn đến quan điểm khác nhau về người già nói chung, người già yếu nói riêng khi giải quyết vụ án hình sự; bởi như dẫn chiếu nội dung trên có thể thấy: Người đủ 60 tuổi (người cao tuổi) vẫn đang làm việc (đủ sức khoẻ làm việc), có người ngoài 60 tuổi, cá biệt 80, 90 tuổi vẫn lao động, sản xuất bình thường; ngược lại có người đủ 60 tuổi trở lên đã thường xuyên đau ốm, nhiều bệnh nền…
Là người tiến hành tố tụng, chúng tôi cho rằng, cần có quy định thống nhất của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đó là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật hay Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết thông qua tổng kết công tác xét xử. Theo đó: Người già quy định tại Bộ luật hình sự phải là người từ đủ 70 tuổi trở lên; Người già yếu là người đủ 70 tuổi trở lên và có căn cứ y tế xác định.
Như vậy Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cùng với Luật Người cao tuổi là một trong các công cụ hữu hiệu để thực hiện đầy đủ chính sách của nhà nước ta đối với Người cao tuổi hiện nay.
Phạm Thị Thuỳ Phòng 9 – VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.