Quy định mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Thứ năm - 08/04/2021 23:43

Quy định mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Ngày 19/03/2021, Chính Phủ ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định là quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bảo gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (biện pháp bảo đảm) và xử lý tài sản. Đối tượng áp dụng là: Bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài ra Nghị định còn quy định một số nội dung như sau:

1. Đối với việc áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Nghị định quy định: Trường hợp pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, tài nguyên thiên nhiên, thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, hàng hải, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ hoặc lĩnh vực khác có quy định đặc thù về tài sản bảo đảm, xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc xử lý tài sản bảo đảm thì áp dụng quy định đặc thù đó.

2. Đối với Quyền truy đòi tài sản bảo đảm, Nghị định qui định:  Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không áp dụng đối với tài sản sau đây:

-Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận;

-Tài sản thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 321 của Bộ luật Dân sự;

-Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác quy định tại Điều 21 Nghị định này;

-Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

Trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì quyền truy đòi tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm không chấm dứt nhưng thực hiện theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật Dân sự và quy định khác về thừa kế của Bộ luật Dân sự trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể pháp nhân, phá sản trong trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản.

3. Đối với tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, Nghị định quy định tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm; Quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ; Dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư; Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu; Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ; Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

4. Đối với Biến động về tài sản bảo đảm, Nghị định quy định cụ thể các Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc chia, tách một tài sản bảo đảm thành nhiều tài sản phù hợp với quy định của pháp luật liên quan cụ thể trong từng trường hợp như: Việc chia, tách tài sản bảo đảm không làm thay đổi chủ sở hữu; Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc dùng tài sản bảo đảm để góp vốn vào pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại…; Trường hợp không còn tài sản bảo đảm do bị thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh…;Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

5. Đối với việc Xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm: Nghị định quy định về xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm, quy định cụ thể biện pháp bảo đảm xác lập theo thỏa thuận, hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm đối với từng hình thức như: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc, ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản. Ngoài ra Nghị định còn quy định cụ thể trường hợp như: Giải quyết trường hợp bên bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết; Thông báo xử lý tài sản bảo đảm; Giao tài sản bảo đảm, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp; Quyền, nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm trong thời gian tài sản bảo đảm chưa bị xử lý; Xử lý tài sản bảo đảm là vật đồng bộ; tài sản có tài sản gắn liền; quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi; vận đơn, chứng từ vận chuyển; Xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai; Xử lý tài sản thế chấp được đầu tư; Nhận lại tài sản bảo đảm; Mua, nhận chuyển nhượng, nhận chuyển giao khác về quyền sở hữu tài sản bảo đảm; Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm./.

                                                                             Nguyễn Anh Đức      
VKSND thành phố Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây