Thủ tục giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân.

Chủ nhật - 15/05/2016 23:36
Việc lập danh sách cử tri có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền được tham gia bầu cử của công dân theo quy định tại 27 Hiến pháp năm 2013. Về nguyên tắc, thẩm quyền lập danh sách cử tri, thủ tục niêm yết danh sách cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 29, Điều 31, Điều 32 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Theo quy định tại Điều 33 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì "Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính"
Về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân: tại khoản 3 Điều 29 Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm "Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử Đại biểu quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án".
Về thời hiệu khởi kiện được quy định tại điểm c khoản 2 Luật tố tụng hành chính như sau: "Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày".
Để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời phục vụ công tác bầu cử thì Luật tố tụng hành chính năm 2010 đã quy định rất rõ về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri. Theo đó, ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán thụ lý ngay vụ án. Về thời hạn giải quyết quy định rất ngắn, cụ thể như sau: theo quy định tại Điều 169 Luật tố tụng hành chính năm 2010 thì trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra một trong các quyết định là: quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Và trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử. Như vậy, Tòa án có tổng thời gian giải quyết vụ án là không quá 05 ngày.
Đối với trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tại Điều 170 Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định "Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án". Tại Chương XI Luật tố tụng hành chính không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục của phiên tòa giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 171 Luật tố tụng hành chính quy định "Các quy định khác của Luật này được áp dụng để giải quyết vụ án hành chính đối với khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp Chương này không quy định". Như vậy, trình tự, thủ tục phiên tòa giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri được thực hiện theo những trình tự, thủ tục khác quy định tại Chương X Luật tố tụng hành chính về phiên tòa sơ thẩm. Do vậy, tại phiên tòa Kiểm sát viên có trách nhiệm phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án theo quy định tại Điều 160 Luật tố tụng hành chính.
Để đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định thì tại khoản 1 Điều 172 Luật tố tụng hành chính quy định "Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị".
Trong không khí cả nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền bầu cử của công dân và thành công của cuộc bầu cử trong thời gian tới. Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc giải quyết đối với khiếu kiện này cần làm tốt những công việc sau:
Một là, kiểm sát chặt chẽ việc nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án của Tòa án, đảm bảo các khiếu kiện về danh sách cử tri được thụ lý theo đúng quy định của Luật tố tụng hành chính.
Hai là, tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết của Tòa án, nhất là việc thực hiện các quy định về thời hạn giải quyết.
Ba là, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, đảm bảo 100% các phiên tòa xét xử khiếu kiện về danh sách cử tri phải có sự tham gia của Kiểm sát viên.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân và các cơ quan trong khối nội chính, đảm bảo việc nắm bắt tình hình khiếu kiện và việc thụ lý, giải quyết các khiếu kiện về danh sách cử tri được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây