Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030
Thứ năm - 28/04/2016 22:18
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 -2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 623/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 4 năm 2016, với 4 quan điểm chỉ đạo: (1) Phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…; (2) Phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó các cơ quan chức năng làm nòng cốt…; (3) Tập trung lực lượng, sử dụng tổng hợp các biện pháp, chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh ngăn chặn tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là chính; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ…; (4) Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, phấn đấu giảm từ 3 – 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc giá, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm liên quan trực tiếp đến sự suy thoái đạo đức gia đình, xã hội…Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trên tổng số án khởi tố. Hằng năm, bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã. Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”…Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán và cán bộ làm công tác thi hành hành án hình sự nhất là ở cấp huyện; đảm bảo nguồn lực (nhân lực, vật lực) cho việc tổ chức ghi âm, ghi hình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 theo lộ trình quy định.
Mục tiêu định hướng đến năm 2030 là: (1) Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, giảm các loại trọng án, giảm tội phạm ở các địa bàn trọng điểm, góp phần xây dựng xã hội an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; (2) Xây dựng một xã hội trật tự, văn minh, mọi công dân có ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ pháp luật, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm; (3) Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đảm bảo “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, không để xảy ra oan, sai trong hoạt động tố tụng.
Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp là: (1) Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm; (2) Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm của hệ thống chính trị và cộng đồng; (3) Nâng cao hiệu quả tấn công trấn áp tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm; (4) Hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm; (5) Tăng cường nguồn lực phòng, chống tội phạm.
Đồng thời đã phê duyệt về nguyên tắc 15 đề án để xây dựng các chương trình, triển khai thực hiện Chiến lược, gồm: (1) Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư (do Ủy ban Trung ương MTTQVN chủ trì); (2) Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia (do Bộ Công an chủ trì); (3) Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; (4) Tăng cường hiện đại hóa, nâng cao năng lực cho các lực lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và lực lượng trinh sát; (5) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; (6) Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, trên biển; (7) Phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; (8) Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; (9) Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; (10) Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong huy động, sử dụng các nguồn vốn thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; (11) Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên; (12) Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet; (13) Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng và vấn đề “sở hữu chéo”; (14) Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; (15) Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật tại các cơ sỏ y tế.
Về trách nhiệm triển khai thực hiện: Chính phủ trực tiếp quản lý, điều hành, chỉ đạo các cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện Chiến lược; Bộ Công an có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 138/CP chủ trì điều phối, thống nhất tổ chức thực hiện Chiến lược; các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án…Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng, thực hiện Chiến lược; phối hợp với Bộ Công an xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án có liên quan.
Về kinh phí thực hiên Chiến lược từ ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn huy động hơp pháp khác./.