Tìm hiểu về: nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu bầu cử

Thứ ba - 11/05/2021 21:53

Tìm hiểu về: nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu bầu cử

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của từng địa phương, được tổ chức vào thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kết thúc thắng lợi. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng bền vững. Công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày ngày nay”[1].

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ. Vì vậy, mỗi cử tri cần phải sáng suốt lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp, dưới đây là một số nguyên tắc, trình tự bỏ phiếu cử tri cần chú ý:

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín:

- Phổ thông là nguyên tắc nhằm đảm bảo để công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong ngày bầu cử.

- Bình đẳng là nguyên tắc nhằm bảo đảm để tất cả công dân đều có cơ hội ngang nhau khi tham gia bầu cử.

- Trực tiếp là nguyên tắc bảo đảm cho cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình

qua phiếu bầu, trực tiếp bầu ra đại biểu của mình mà không qua một cấp đại diện cử tri.

- Bỏ phiếu kín là nguyên tắc nhằm đảm bảo khách quan trong việc lựa chọn của cử tri. Phiếu bầu của cử tri được bảo đảm bí mật, không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri, cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào thùng phiếu.

Nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu:

- Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 07 giờ sáng đến 19 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 05 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ tối cùng ngày.

- Khi bầu cử, cử tri phải xuất trình Thẻ cử tri. Mỗi cử tri có quyền bỏ 01 phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ 01 phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân mà mình được tham gia bầu cử.

- Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Trường hợp cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

- Cử tri không bầu cho ai trong phiếu bầu cử thì gạch cả dòng chữ họ và tên của người mà mình không bầu (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, ghi thêm tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử hoặc gạch xóa hết tên những người ứng cử trong phiếu bầu.

- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “ Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri. Thẻ cử tri chỉ có giá trị cho 01 lần bỏ phiếu.

- Về phiếu bầu cử có một trong những dấu hiệu sau đây là phiếu không hợp lệ: Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra; phiếu không có dấu của Tổ bầu cử; phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử, phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác./.


[1]  Trích lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

                                                                           Hữu Khang – VPTH (tổng hợp)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây