Kể từ ngày 01/01/2025, Luật số 36/2024/QH15 quy định về Trật tự, giao thông đường bộ của Quốc hội khóa XV có hiệu lực. Trong đó chương Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ quy định rõ về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện liên quan khi xảy ra tai nạn.
Ảnh minh họa hiện trường tai nạn giao thông.
Việc xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông có thể nói là sự cố không cá nhân nào mong muốn, tuy nhiên, người tham gia giao thông cần nắm rõ trách nhiệm của bản thân khi thuộc vào trường hợp liên quan đến vụ việc. Cụ thể, Điều 80 của luật này quy định như sau:
Đối với Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm:
- Dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
- Ở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
- Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ và thông tin liên quan của vụ tai nạn giao thông đường bộ cho cơ quan có thẩm quyền.
Đối với Người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm:
- Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;
- Báo tin ngay cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
- Tham gia bảo vệ hiện trường, tài sản của người bị nạn;
- Cung cấp thông tin liên quan về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Thêm vào đó, so với Luật giao thông đường bộ 2008, luật quy định hai điểm mới:
- Khi cần đưa nạn nhân đi cấp cứu, chỉ được sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông trong trường hợp không có phương tiện nào khác nhưng không được làm thay đổi, mất dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ. Trường hợp có người chết phải giữ nguyên hiện trường và che đậy thi thể. Quy định này nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn tối đa của hiện trường để các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.
- Đối với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm chở người bị thương đi cấp cứu. Quy định này được đặt ra để đặt ra trách nhiệm, nâng cao ý thức đạo đức đối với những công dân khác về việc cứu giúp người bị thương do tai nạn.
Trên đây là những quy định đối với người tham gia giao thông khi có tai nạn xảy ra. Khi không may xảy ra tai nạn, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chức năng, giúp đỡ người bị nạn; Mỗi người dân cần trang bị kiến thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, nâng cao ý thức trách nhiệm để tham gia giao thông an toàn, lành mạnh.
|
Nguyễn Phúc Đạt
VKSND Tp Hải Dương |