Tranh chấp về phân chia di sản thừa kế không có di chúc

Thứ ba - 28/12/2021 21:07

Tranh chấp về phân chia di sản thừa kế không có di chúc

Ngày 10/12/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên Tòa sơ thẩm tranh chấp chia di sản thừa kế, giữa nguyên đơn cụ Nguyễn Thị Đ và bị đơn là Nguyễn Viết T.

Diễn biến vụ việc như sau: Cụ Nguyễn Thị Đ và cụ Nguyễn Văn D là vợ chồng. Cụ Đ và cụ D có 06 người con là ông Nguyễn Văn Th, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Viết T, ông Nguyễn Văn N, ông Nguyễn Văn Nh, ông Nguyễn Văn H. Cụ Đ và cụ D có khối tài sản chung gồm 278,6m2 đất và tài sản gắn liền trên đất là ngôi nhà cấp 4, diện tích 57,2m2 xây dựng vào năm 1968, thể hiện tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Bình Giang cấp ngày 02/02/2015 mang tên cụ Đ, cụ D. Cụ D chết ngày 28/11/2018, không để lại di chúc. Do ông T muốn chiếm toàn bộ đất của cụ D để lại. Do vậy, cụ Đ khởi kiện yêu cầu Toà án chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn D là ½ quyền sử dụng đất diện tích 278.6m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 46, tờ bản đồ số 07, địa chỉ: Thôn Bình Dương, xã Cổ Bì, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Hiện cụ Đ đang sinh sống và quản lý thửa đất. Cụ Đ xin được sử dụng bằng hiện vật và có trách nhiệm trả giá trị phần di sản cho những đồng thừa kế còn lại.

 

Toàn cảnh phiên Tòa dân sự sơ thẩm

Quá trình giải quyết, Hội đồng xét xử đã xác định tài sản của cụ D để lại là di sản thừa kế, chia thừa kế cho cụ Đ và 6 người con.

Các tranh chấp về thừa kế tài sản tăng là do người dân không lập di chúc hoặc thiếu rạch ròi khi lập di chúc. Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế nên nhiều người làm đơn khởi kiện; giá trị tài sản tăng cao dẫn đến tranh chấp. Việc giải quyết các vụ án liên quan đến phân chia di sản thường kéo dài và rất khó giải quyết do quá trình thu thập chứng cứ khó khăn. Cụ thể, các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con cái sẽ yêu thương, đùm bọc nhau và không lường trước được những tranh chấp xảy ra nên khi còn sống để lại tài sản cho con cái bằng miệng mà không có giấy tờ rõ ràng. Tài sản thường ở nhiều nơi, do nhiều người quản lý nên việc thu thập hồ sơ, chứng cứ liên quan thường khó khăn, thậm chí có những người không chịu hợp tác. Đặc biệt, chính sách pháp luật có nhiều sự thay đổi, thời hiệu khởi kiện kéo dài 30 năm nên nhiều chứng cứ, giấy tờ bị thất lạc, thay đổi và tài sản thuộc quyền quản lý có nhiều thế hệ khác nhau. Tranh chấp tài sản thừa kế thường liên quan đến nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau trong gia tộc. Do đó, đối với loại án này đòi hỏi người thực thi pháp luật phải nắm vững các chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự và chính sách của Nhà nước qua nhiều thời kỳ, các văn bản hướng dẫn, các văn bản pháp luật liên quan (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Đất đai năm 2013…).

Thông qua tranh chấp này, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về Dân sự, về đất đai cho người dân hiểu làm các thủ tục thừa kế di sản theo đúng trình tự pháp luật để tránh xảy ra tranh chấp chia di sản thừa kế ngày càng gia tăng trong tình hình hiện nay.

                                                                                        Bùi Thị Hậu
Phòng 9-VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây