Trẻ hóa độ tuổi ly hôn trên địa bàn huyện Thanh Hà - thực trạng và giải pháp
Thứ sáu - 25/10/2024 04:54
Hoà chung nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội cùng các địa bàn huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà cũng đang trên đà phát triển. Kéo theo sự phát triển kinh tế xã hội, là việc phát triển của các mối quan hệ cùng với đó là các tranh chấp từ các mối quan hệ xã hội đó cũng gia tăng nhanh chóng.
Ai cũng biết, gia đình là tế bào của xã hội. Nhưng thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung, địa bàn huyện Thanh Hà nói riêng, tình trạng quan hệ gia đình bị phá vỡ, mà cụ thể là tình trạng các cặp vợ chồng ly hôn diễn ra rất phổ biến và ngày càng có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Mới đây, tại tọa đàm "Xây dựng gia đình công chức, viên chức, người lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" do Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tổ chức vừa qua công bố những số liệu rất đáng lo. Đó là năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có 10.674 cặp kết hôn, 5.071 vụ ly hôn và 6 tháng đầu năm 2024, có 4.235 cặp kết hôn, 2.696 vụ ly hôn. Số liệu trên cho thấy, tính từ đầu năm 2023 đến giữa năm nay, số vụ ly hôn bằng hơn 52% tổng số cuộc kết hôn. Trong số đó, ly hôn trẻ (trẻ về cả tuổi hôn nhân và tuổi đời) chiếm phần lớn trong tổng số các vụ án ly hôn hằng năm.
Theo số liệu thống kê tại Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà (số liệu từ tháng 10/2023 đến hết tháng 9/2024), Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà thụ lý giải quyết 384 tranh chấp hôn nhân gia đình. Qua phân tích về độ tuổi trong các vụ ly hôn trên địa bàn huyện Thanh hà thấy tỷ lệ số vụ ly hôn có độ tuổi các cặp vợ chồng như sau: có khoảng hơn 62% độ tuổi dưới 30 (trong đó số các cặp vợ chồng từ dưới 25 tuổi trở xuống chiếm khoảng 8%); khoảng 36% ở độ tuổi 30 - 40, phần lớn trong số đó (chiếm tới khoảng 90%) là có con nhỏ; các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi từ 40-50 chiếm khoảng 04%; còn lại là các cặp vợ chồng có độ tuổi khá lớn (trên 50 tuổi) chiếm khoảng 2%. Có khoảng 10% cặp đôi có thời gian kết hôn dưới 3 năm. Đây là thực trạng chung không chỉ riêng ở huyện Thanh Hà mà còn nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh.
(ảnh nguồn internet)
Thông qua hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình – dân sự, VKSND huyện Thanh Hà thống kê một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ hóa độ tuổi ly hôn như sau:
Thứ nhất, phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do kết hôn khi còn quá trẻ, họ thiếu kỹ năng sống, chưa tìm hiểu kỹ đối phương, chưa có sự chuẩn bị về các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống gia đình, về tâm lý, kinh tế, sức khỏe, quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm, chia sẻ đến chồng hoặc vợ, từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, đến bất đồng trong quan điểm, nảy sinh mâu thuẫn từ những ngày đầu chung sống. Khi tuổi đời còn quá trẻ họ sẵn sàng chấm dứt hôn nhân mà không cần quan tâm đến hậu quả của việc ly hôn.
Thứ hai, xảy ra tình trạng bạo lực gia đình và ngoại tình. Đây là nguyên nhân nổi trội, có biểu hiện rất phức tạp. Không chỉ các hành vi “tác động vật lý” trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình với nhau mới được coi là bạo lực gia đình. Mà những việc làm gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đến tinh thần, tình dục và cả kinh tế của các thành viên khác trong gia đình đều có thể coi là bạo lực gia đình. Trong cuộc sống hiện đại, việc những người phụ nữ vừa phải đi làm, vừa chăm lo gia đình đã tạo áp lực rất lớn cho người phụ nữ. Bình đẳng giới chưa được thực hiện triệt để, trong khi những người đàn ông vẫn còn tình trạng gia trưởng, không san sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái cho người vợ, vô hình đã tạo cơ hội “cởi trói” cho người phụ nữ. Họ sẵn sàng ly hôn, vì bản thân họ đã quá mạnh mẽ. Do vậy, chỉ khi vợ chồng mâu thuẫn, có xô sát, hoặc không chung thủy …, tức thì họ sẵn sàng ly hôn để giải thoát cho cuộc hôn nhân của mình.
Thứ ba, điều kiện kinh tế gia đình. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, các cặp vợ chồng có thể phát sinh nhiều gánh nặng kinh tế vì trách nhiệm với gia đình và con chung. Do các cặp đôi kết hôn khi độ tuổi chưa có việc làm, thu nhập ổn định nên còn gặp khó khăn về kinh tế, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Theo thống kê tại Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà thì phần lớn các cặp vợ chồng đến xin ly hôn không đề nghị giải quyết tài sản chung.
Thứ tư, mâu thuẫn giữa nhiều thế hệ trong gia đình. Đây không phải là nguyên nhân chủ yếu, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân truyền thống dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Sau khi các cặp đôi trẻ kết hôn thường sinh sống cùng gia đình có ít nhất từ 02 thế hệ. Ở mỗi thế hệ có những quan điểm về cuộc sống khác nhau, không dễ gì thông cảm được với quan điểm sống của thế hệ khác. Một số gia đình thường xảy ra xung đột giữa vợ chồng trẻ và người lớn do bất đồng quan điểm sống, khoảng cách thế hệ. Những mâu thuẫn gia đình nếu không được giải quyết kịp thời có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho các thành viên. Đặc biệt với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội như hiện nay, các thành viên trong gia đình có xu hướng ích kỷ, khi có thời gian rảnh rỗi là sử dụng điện thoại mà không dành thời gian chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc gia đình, cuộc sống, cũng là nguyên nhân chủ yếu để dẫn đến mâu thuân của các cặp vợ chồng.
Thứ năm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về hôn nhân nhận thức, ý thức, trách nhiệm sau hôn nhân cho các cặp vợ chồng chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức: Hiện nay công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chính sách, pháp luật về gia đình chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Nội dung phổ biến mới chỉ chú trọng phổ biến các quy định pháp luật thực định, chưa chú trọng vào các kỹ năng để xử lý các vấn đề của gia đình, chưa căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện, thực tiễn của xã hội, khả năng tiếp cận của đối tượng nghe nhất là đối tượng trẻ. Kỹ năng và phương pháp tuyên truyền của người tuyên truyền, tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến về hôn nhân gia đình. Hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, các tài liệu chưa được xây dựng dễ hiểu, thân thiện với người dân.
Thứ sáu, công tác hòa giải tại cơ sở cũng như công tác hoà giải tại Toà án chưa thực sự đạt hiệu quả: hiện nay, thủ tục ly hôn quá đơn giản, không bắt buộc phải thực hiện các bước hòa giải tại cơ sở. Hầu hết, các vụ án ly hôn trên địa bàn huyện Thanh Hà, các đương sự có mâu thuẫn nhưng không thông qua hội phụ nữ, ban hoà giải tại cơ sở thôn, xóm, xã, phường mà nộp đơn trực tiếp đến Toà án. Và điều đáng nói, số người khởi kiện rút đơn khởi kiện sau khi hoà giải theo Luật hoà giải đối thoại trước khi thụ lý vụ án là rất ít (chiếm khoảng 1,5%). Điều này thể hiện chất lượng hòa giải tại cơ sở chưa được hiệu quả. Kỹ năng hòa giải của hòa giải viên, Thẩm phán còn hạn chế. Công tác tuyên truyền pháp luật về giới, bình đẳng giới, về kiến thức hôn nhân, gia đình còn chưa được chú trọng.
Khi vợ chồng ly hôn, quan hệ gia đình đang bị phá vỡ, làm ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề cốt lõi của gia đình. Đối với các cặp vợ chồng, ly hôn là lựa chọn cuối cùng khi không còn biện pháp nào để tháo gỡ mối quan hệ của họ, bản thân họ cũng phải chịu tổn thương rất lớn khi đưa ra quyết định đó. Nhưng thực tế, hệ luỵ của việc bố mẹ ly hôn, người chịu tổn thương nhất là đứa trẻ, việc bố mẹ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý và tương lai của chúng. Nếu không có sự quan tâm giáo dục của cả bố, mẹ thì trẻ sẽ bị thiếu thốn tình cảm, dễ bị tổn thương tâm lý dẫn đến dễ sa vào các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện của trẻ. Theo thống kê các vụ án hình sự xảy ra ở địa bàn huyện Thanh Hà, thì cứ 10 trẻ vị thành niên phạm tội, có 06 trường hợp bố mẹ ly hôn hoặc bố hoặc mẹ mất sớm.
Trong thời điểm từ 10/2023 đến tháng 09/2024, VKSND huyện Thanh Hà đã thực hiện tốt chức năng kiểm sát giải quyết các vụ việc Hôn nhân và gia đình trên địa bàn huyện Thanh Hà. Kiểm sát viên đã nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ và khách quan những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, đưa ra đường lối giải quyết vụ án, ngoài kiểm sát hoạt động của Thẩm phán, trong quá trình kiểm sát, nghiên cứu hồ sơ vụ án Viện kiểm sát còn phải thực hiện chức năng kiến nghị, quyền yêu cầu và có thể thực hiện quyền Kháng nghị nếu xét thấy việc giải quyết vụ án của Tòa án không đúng pháp luật. Để góp phần hạn chế thực trạng ly hôn đang gia tăng như hiện nay, VKSND huyện Thanh Hà đưa ra các giải pháp như sau:
Thứ nhất, trước hết cần tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về các nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới. Tổ chức các lớp dạy về tiền hôn nhân, kỹ năng sống, tâm lý, lối ứng xử trong gia đình cho các bạn trẻ sắp bước vào cuộc sống hôn nhân. Để từ đó, họ có những cái nhìn chính xác về hôn nhân và những vấn đề cần phải giải quyết trong cuộc sống hôn nhân gia đình. Các cặp vợ chồng trẻ trước khi kết hôn cần chủ động học hỏi, tăng cường kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng sống trong gia đình, có việc làm và chuẩn bị khả năng về kinh tế.
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở đối với các vụ ly hôn gắn với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội và việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cùng đó, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ tòa án trong giải quyết các vụ án ly hôn, đặc biệt là kỹ năng hòa giải tại tòa nhằm tăng tỷ lệ hòa giải thành.
Thứ ba, các cơ quan ban ngành, các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, đoàn thanh niên đặc biệt là tổ chức Công đoàn của các cơ quan, doanh nghiệp cần đẩy mạnh các phong trao thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ”. Tăng cường tuyên truyền đối với hội viên các kiến thức về pháp luật và xã hội, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình, kỹ năng tháo gỡ mâu thuẫn khi các thành viên trong gia đình gặp phải để hội viên nhận thức được vai trò của gia đình, cùng nhau gìn giữ cuộc sống gia đình hạnh phúc, Từ đây, có thể kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát hiện tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn mình quản lý để có biện pháp tháo gỡ, hạn chế tình trạng ly hôn và trẻ hóa ly hôn.
Thứ tư, với một địa bàn thuần nông, đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chính quyền địa phương cần có kế hoạch, tổ chức các lớp hướng nghiệp dạy nghề, thu hút lao động, tạo ra thu nhập đối với người trong độ tuổ lao động trên địa bàn. Liên kết với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng người lao động về tổ chức tuyển dụng trên địa bàn nhằm tạo việc làm ổn định cho các bạn trẻ để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Thứ năm, bản thân mỗi người là thành viên trong gia đình hãy hành động với khẩu hiệu: Hãy bỏ điện thoại xuống, cùng nhau tiếp xúc, trao đổi trực tiếp các vấn đề về cuộc sống, công việc, cách nuôi dạy con cái, có biện pháp cùng nhau phát triển kinh tế gia đình … Khi chúng ta không ngại ngần trao đổi, chẳng có mâu thuẫn nào không thể tháo gỡ.
Nguyễn Thị Ngân & Hoàng Minh Trang
VKSND huyện Thanh Hà