Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020

Thứ tư - 19/05/2021 23:10

Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật được ban hành nhằm tạo thêm một cơ chế mới, là bước khởi đầu tiền tố tụng để các bên được thể hiện ý chí, nguyện vọng giải quyết tranh chấp; tăng cường hiệu quả của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án với cơ chế linh hoạt khác biệt với thủ tục, quy trình chặt chẽ khi thực hiện hòa giải, đối thoại trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; tiết kiệm thời gian, chi phí cho Nhà nước và các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Các bên không mất nhiều thời gian, công sức để được công nhận hòa giải thành, đối thoại thành; bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận, thống nhất của các bên bằng quyền lực của Nhà nước; tạo niềm tin, động lực cho các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Tại  khoản 4 điều 32 có quy định: Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho ... Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Tại khoản 1 điều 36, quy định: Viện kiểm sát có thẩm quyền kiến nghị xem xét lại đối với Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Như vậy Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có quy định về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, đó là: Kiểm sát quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và có thẩm quyền kiến nghị và chỉ khi có 01 trong 02 quyết định trên, thì VKS mới biết và thực hiện quyền kiểm sát, còn trước đó toàn bộ trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, hoạt động hòa giải, đối thoại như thế nào, thì VKS không nắm được, vì Luật không quy định Tòa án phải thông báo hoặc gửi các tài liệu gì cho VKS biết. Nên sẽ khó khăn cho VKS khi thực hiện quyền kiểm sát quyết định và thực hiện quyền kiến nghị đối với quyết định công nhận hòa giải thành hoặc đối thoại thành, khi không có tài liệu để làm căn cứ xác định có vi phạm theo quy định tại Điều 33 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, hay không.

Đây là nội dung mới đối với hoạt động của Viện kiểm sát, nên đề nghị VKSND cấp trên cần kịp thời hướng dẫn và ban hành các biểu mẫu để thực hiện hoạt động kiểm sát, cũng như đưa thêm các chỉ tiêu trong hệ thống báo cáo của ngành. Đồng thời cũng đề nghị bổ sung Quy chế phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát các vụ việc dân sự.... về việc gửi các tài liệu, liên quan đến việc Tòa án ra Quyết định công nhận hoặc không công nhận hòa giải thành hoặc đối thoại thành.

                                                                        Vũ Hoàng Ninh
VKSND huyện Tứ Kỳ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây