Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xác định nguyên nhân của tình hình vi phạm, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em, đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các đơn vị, sở ban ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa.
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Kiến nghị Áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Kiến nghị đã xác định: Thời gian qua cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, thì tình hình vi phạm, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (dâm ô, giao cấu, hiếp dâm…) trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng diễn biến phức tạp. Việc bị xâm hại tình dục để lại rất nhiều hệ lụy xấu cả cho người bị xâm hại cũng như gia đình, cộng đồng xã hội, nhất là ở độ tuổi dưới 16 chưa hoàn thiện về mặt thể chất, tâm sinh lý.Trước hết, đó là những tổn thương về sức khỏe, danh sự, nhân phẩm mà người bị xâm hại phải gánh chịu. Tiếp đó, là mặc cảm, tự ti, dẫn đến những suy nghĩ, hành động khó kiểm soát, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về mọi mặt, cuộc sống tương lại.
Trong thời điểm từ ngày 01/12/2019 đến 30/4/2023, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã kiểm sát thụ lý giải quyết là 75 vụ, việc, trong đó khởi tố điều tra 71 vụ/75 bị can về các tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội giao cấu hoặc hành vi khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; tội dâm ô với người dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm người dưới 16 tuổi ..
Các bị can phạm tội trong các vụ án nêu trên chủ yếu là lao động tự do hoặc nghề nghiệp không ổn định; trình độ học vấn thấp, giữa đối tượng và nạn nhân có quan hệ quen biết (yêu đương, bạn bè, cá biệt có 01 vụ quan hệ bố đẻ với con ruột, 02 vụ có quan hệ họ hàng, 02 vụ là quan hệ thầy trò,…); đáng lưu ý một số nạn nhân bị xâm hại ở độ tuổi dưới 13 (10 vụ), có 02 vụ làm nạn nhân có thai…
( Ảnh nguồn Internet)
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xác định nguyên nhân của tình hình vi phạm, và thực hiện tội phạm nêu trên, đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các đơn vị, sở ban ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, có biện pháp thực hiện tốt Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 28- CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… nhất là tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp (05 nhóm giải pháp) đã đề ra trong Kế hoạch số 691/KH-UBND ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh Hải Dương về thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025.
2. Chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, đổi mới công tác tuyên truyền. Giao Sở tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan (Công an tỉnh; Sở Lao động thương binh, xã hội; Sở Văn hoá, thể thao và du lịch; Sở Giáo dục đào tạo; Sở thông tin và truyền thông; Sở Y tế; chính quyền các cấp…), đổi mới công tác tuyên truyền, chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền cụ thể (ngắn hạn, dài hạn), đa dạng về nội dung, hình thức tuyên truyền.
3. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em
- Giao Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; phối hợp với Sở thông tin, truyền thông quản lý chặt chẽ, ngăn chặn các thông tin độc hại trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…). Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nắm chắc tình hình, xác định địa bàn trọng điểm; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng đã có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em,... Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện (nhà nghỉ, khách sạn, quán bar, karaoke,...), kịp thời có biện pháp phòng ngừa không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, tiếp nhận, giải quyết, tố giác, tin báo tội phạm, áp dụng đồng bộ các biện pháp xác minh, điều tra, nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ xâm hại trẻ em, nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
- Giao Sở lao động- thương binh- xã hội: Phối hợp với các cơ quan liên quan (Sở Thông tin, truyền thông, Sở Văn hoá thể thao và du lịch…) kiểm soát chặt chẽ các vật phẩm, ấn phẩm độc hại để tránh việc trẻ em bị dụ dỗ, tiếp cận với văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến lệch lạc trong việc phát triển và hình thành nhân cách. Rà soát, quản lý các trẻ có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục trên từng địa bàn để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời (nhất là những trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, những trẻ em bị bỏ rơi lang thang cơ nhỡ, những em sống trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…). Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại; phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Thiết lập đường dây tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến trẻ em, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác vụ việc xâm hại trẻ em, để cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ khi có nhu cầu.
- Giao Sở giáo dục- đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường theo dõi, giáo dục, uốn nắn các học sinh cá biệt (có biểu hiện chán học, thường xuyên bỏ học, ham chơi, đua đòi…); tạo môi trường lành mạnh để các em học tập, vui chơi. Chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị xâm hại tình dục để kịp thời thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền về điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại tình dục xảy ra.
- Giao Sở y tế: Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ y tế nhằm bảo vệ chứng cứ, tránh làm mất dấu vết của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ đạo cơ quan giám định (trực thuộc Sở) thực hiện hiệu quả công tác giám định các trường hợp bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
- Giao Sở tư pháp: Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý cho những trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em trong quá trình tham gia các hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử).
- Giao Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; chủ động phát hiện, cung cấp thông tin về những hành vi xâm hại tình dục trẻ em để cơ quan chức năng kịp thời xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Sau khi nhận được Kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ra văn bản về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chỉ đạo các UBND huyện, thị xã thành phố, các sở ban ngành đoàn thể trong tỉnh thực hiện đồng bộ các nội dung như Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương.
Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương với nội dung thiết thực, sâu kỹ, góp phần phòng ngừa vi phạm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.
|
Lê Thị Huyền
Phòng 2 - VKSND tỉnh Hải Dương |