Cách mạng tháng tám năm 1945 – mốc son lịch sử.

Thứ năm - 18/08/2016 20:46
Dù 71 năm trôi qua nhưng tầm vóc và ý nghĩa của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng toả sáng. Mỗi độ thu về, dân tộc Việt Nam lại sống trong bầu không khí hân hoan  đầy tự hào, long trọng kỉ niệm thành công của cuộc cách mạng đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi nhất, oanh liệt nhất của dân tộc  trong thế kỷ 20.
Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối cùng.  Ở châu Âu, phát xít Đức đầu hàng quân đồng minh không điều kiện. Ở châu Á, Hồng quân Liên Xô tấn công như vũ bão vào quân đội Nhật, đến ngày 14/8/1945, quân phiệt Nhật cũng hạ vũ khí đầu hàng. Điều đó đã đẩy quân Nhật đang chiếm đóng ở Đông Dương vào tình thế tuyệt vọng như rắn mất đầu, hoang mang đến cực độ, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim rệu rã. Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân sục sôi hơn bao giờ hết. Khắp nơi  nổ ra những cuộc mít tinh, biểu tình, thị uy có tới hàng ngàn người tham gia.
Nhận định thời cơ ngàn năm có một đã đến, mọi sự chuẩn bị đều đã sẵn sàng, sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của toàn dân đã lên cao đến đỉnh điểm, 23 giờ ngày 13/8/1945 Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng công bố mệnh lệnh khởi nghĩa, ra quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang). Hơn 60 đại biểu thay mặt cho ba miền Bắc, Trung, Nam, kiều bào ở nước ngoài, các đảng phái, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo đại diện cho ý chí thống nhất của toàn thể dân tộc đã về tham dự Đại hội, cùng thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do  Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Khắp nơi quần chúng nhân dân hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa đã đồng loạt nổi dậy. Ở những vùng xa xôi, dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương và vận dụng chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta  đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Không khí cách mạng sục sôi dọc từ Bắc vào Nam.
Ngày 14/8/1945 lực lượng vũ trang Quảng Ngãi giành chính quyền thắng lợi tại tỉnh lị. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ  An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà lần lượt nổi dậy giành chính quyền. Ngày 17/8/1945, một số vùng ngoại ô ở Hà Nội đã khởi nghĩa giành thắng lợi. Ngày 18/8/1945 lực lượng khởi nghãi ở Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Mỹ Tho đã giành được chính quyền. Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 10 vạn nhân dân thủ đô Hà Nội tưng bừng khí thế đấu trang, xuống đường thị uy, tổ chức mít tinh tại quảng trường Nhà hát lớn, thành phố Hà Nội đỏ rực cờ cách mạng. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng nhân dân dưới sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu lần lượt chiếm được các cơ quan đầu não của địch: Phủ Khâm sai Bắc Bộ, Sở mật thám, Sở cảnh sát Trung ương, Sở bưu điện, Trại báo an binh. Khi đoàn người kéo đến Toà thị chính, thị trường thành phố đã mở cửa sẵn sàng trao lại chính quyền cho cách mạng. Tối ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi. Tại Huế, đêm ngày 23/8/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời gửi điện đòi Bảo đại thoái vị. Chiều 30/8, trước hàng vạn quần chúng, Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, nộp ấn, kiếm cho phái đoàn chính phủ lâm thời. Chế độ phong kiến sụp đổ. Tại Sài Gòn, sáng ngày 25/8/1945, các đơn vị “Xung phong đoàn”, “Thanh niên tiền phong”, công nhân, nông dân từ các tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Mĩ Tho kéo về có giáo mác, gậy tầm vông tràn ngập đường phố. Quần chúng nhân dân nhanh chóng làm chủ tình thế chiếm Sở mật thám, sở cảnh sát, nhà ga, bưu điện…giành toàn bộ chính quyền ở Sài Gòn. Đồng thời với khởi nghĩa ở Sài Gòn, nhân dân các tỉnh Nam Bộ đã khởi nghĩa thắng lợi. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta giành thắng lợi. Cách mạng tháng Tám đại thành công. Chiều ngày 02/9/1945, tại quảng trưởng Ba Đình lịch sử, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà độc lập, tự do ra đời.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng đã phá tan hai xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và của phát xít Nhật, đồng thời lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm. Với thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một nước độc lập dân chủ cộng hoà, nhân dân ta từ cuộc sống nô lệ lầm than đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển lịch sử dân tộc: kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám mang một tầm vóc lịch sử quốc tế lớn lao, đánh dấu thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc nhỏ bé đã tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân, cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Tinh thần cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 sẽ mãi khắc sâu trái tim, khối óc đối, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay giữ vững nền chủ quyền  đất nước, cống hiến trí tuệ đưa Việt Nam phát triển phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây