Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng bí thư Trần Phú

Thứ ba - 28/04/2020 21:17

Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng bí thư Trần Phú

Kỷ niệm 116 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú (01/5/1904- 01/5/2020)
và tuyên truyền hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng


Chân dung đồng chí Trần Phú (01/5/1904- 06/9/1931)

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại thôn An Thổ, xã Dân An, huyện Tuy An (Phú Yên); nguyên quán xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới lên 6 tuổi, được sự giúp đỡ của bà con họ hàng, năm 1918, đồng chí học xong bậc Tiểu học tại Trường Pháp -Việt Đông Ba, sau đó tiếp tục theo học Trường Quốc học Huế. Năm 1922, đồng chí Trần Phú làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh (Nghệ An). Năm 1925, đồng chí Trần Phú tham gia vào tổ chức yêu nước cấp tiến và từ đó tham gia vào hoạt động cách mạng.

Tháng 9/1925, đồng chí Trần Phú được Hội Phục Việt cử sang Lào để vận động cách mạng. Thời gian hoạt động ở Lào, đồng chí đã đi sâu tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của công nhân, nông dân, giác ngộ cách mạng cho họ và bước đầu tự rèn luyện lập trường, ý thức giai cấp công nhân cho mình. 

Tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Được tin, Ban lãnh đạo Hội Hưng Nam cử đồng chí Trần Phú sang gặp các đồng chí trong tổ chức này để đề nghị hợp nhất hai tổ chức. Trong thời gian này, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt tên là Lý Quý, được huấn luyện về lý luận chính trị và kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, vào Cộng sản Đoàn và được cử về nước hoạt động.

Tháng 12/1926, đồng chí Trần Phú về đến thành phố Vinh. Sau khi báo cáo việc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dự định hợp nhất các tổ chức cách mạng trong và ngoài nước, đồng chí truyền đạt lại những lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, giúp các đồng chí trong nước cải tổ Hội Việt Nam cách mạng đồng chí theo đường lối và tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Ở trong nước một thời gian, trước sự truy nã gắt gao của kẻ thù, đồng chí lại được cử sang Quảng Châu làm việc tại cơ quan Tổng bộ Thanh niên.

Mùa xuân năm 1927, trước yêu cầu cấp thiết của việc đào tạo cán bộ cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Trần Phú sang học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va. Lúc ấy, đồng chí mang tên là Li-ki-vơ. Ở trường này, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc - đại diện Quốc tế Cộng sản, một nhóm cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Trần Phú được chỉ định làm Bí thư của nhóm. Dù vào học muộn một năm, sức khỏe yếu, nhưng với trí thông minh, ham học hỏi cùng với nghị lực mạnh mẽ, đồng chí Trần Phú đã nỗ lực phấn đấu không chỉ theo kịp các đồng chí khác, mà còn giúp đỡ cho một số anh em cùng khóa vươn lên học tập. Ngày 11/10/1929, Triều Nguyễn theo lệnh đế quốc Pháp kết án tử hình vắng mặt đồng chí Trần Phú.

Đầu năm 1930, sau khi học xong ở Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Trần Phú đã xin tổ chức cho về nước hoạt động. Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú về Hà Nội và đến tháng 7/1930 được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Trần Phú đã khẩn trương tổ chức trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu, khảo sát thực tế tình hình phong trào công nhân Nam Định, Hải Phòng, khu mỏ Hòn Gai, Thái Bình...Trong căn buồng xép của tầng hầm chật chội ở ngôi nhà số 90 - Thợ Nhuộm - Hà Nội, bản Luận cương chính trị của Đảng đã được đồng chí Trần Phú khởi thảo. Luận cương chính trị đã được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10/1930) thảo luận và nhất trí tán thành. Cũng tại Hội nghị này, Trần Phú chính thức được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, khi đó đồng chí mới 26 tuổi.

Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại Sài Gòn và bị tra tấn rất dã man, nhưng chúng đã không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung. Đồng chí tuyên bố dứt khoát “Đừng hỏi làm gì nữa vô ích. Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các ngươi nghe”. Cuối cùng kẻ thù đã bất lực trước tinh thần gang thép ấy và đưa đồng chí ra Toà án Sài Gòn để xét xử. Tại đây, đồng chí Trần Phú đã thể hiện lòng dũng cảm, trí thông minh, bản lĩnh kiên cường, biến tòa án của kẻ thù thành nơi lên án chủ nghĩa đế quốc Pháp và nêu cao uy tín của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong những ngày bị giam cầm, tra tấn, đồng chí Trần Phú luôn nêu cao tấm gương đấu tranh cách mạng. Hàng ngày, đồng chí vẫn tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí tù chính trị, căn dặn anh em, đồng chí luôn giữ vững tinh thần, đặt niềm tin sắt son vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Tuy sức khỏe yếu, nhưng Trần Phú vẫn tích cực cùng anh em, đồng chí tham gia đấu tranh chống lại chế độ tù đày hà khắc của thực dân. Tháng 8/1931, bệnh của đồng chí nặng hơn, bọn mật thám phải đưa đồng chí về Nhà thương Chợ Quán. Sức khỏe của đồng chí ngày càng yếu đi, ngày 06/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) khi mới 27 tuổi - độ tuổi đang tràn đầy tài năng sáng tạo, cống hiến cho cách mạng. Trước khi hy sinh, đồng chí Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!

Sau gần 68 năm kể từ ngày đồng chí Trần Phú hy sinh, phần mộ của đồng chí được tìm thấy tại Nghĩa trang Chợ Quán, Sài Gòn, nay là Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Vào lúc 09 giờ, ngày 12/01/1999, tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu, sau đó di dời hài cốt đồng chí về an táng tại đồi Hội Sơn, Cồn Nổi (Quần Nội) trước bến Tam Soa thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.


Phần mộ đồng chí Trần Phú tại quê hương Hà Tĩnh (Nguồn ảnh: internet)

Hiện nay, quần thể Khu Di tích Tổng Bí thư Trần Phú được đặt tại quê nhà tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, (Hà Tĩnh), bao gồm: Nhà thờ, nhà trưng bày và khu mộ, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cán mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhất là thanh niên thế hệ trẻ ngày nay.


Khu di tích Tổng bí thư Trần Phú tại Hà Tĩnh (nguồn ảnh: internet)

Trong sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí Trần Phú có những đóng góp vào việc xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, đó là tổ chức Thanh niên Cộng sản thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và các văn kiện xây dựng các tổ chức quần chúng Mặt trận dân tộc, Nông hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ... Đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp xuất sắc về lý luận đối với cách mạng Việt Nam, trong đó Luận cương chính trị là văn kiện của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, những luận điểm cơ bản trong chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại hội nghị thành lập Đảng. Những văn kiện và các tổ chức do đồng chí Trần Phú và Trung ương dự thảo, thành lập ra đáp ứng đòi hỏi phong trào cách mạng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng.

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người đảng viên cộng sản trước kẻ thù./.

Nguồn tham khảo:

- Webside:http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/933341/dong-chi-tran-phu-tong-bi-thu-dau-tien-nha-ly-luan-xuat-sac-cua-dang-nguoi-con-uu-tu-que-huong-ha-tinh

- Webside:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tong-bi-thu-tran-phu-tam-guong-sang-ngoi-cua-nguoi-cong-san-mau-muc-kien-trung-573013

                                                                                                           Đàm Thị Trang (sưu tầm, tổng hợp)
VSKND thị xã Kinh Môn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây