- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 không những đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi mà còn đi vào lịch sử thế giới là một sự kiện "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" khi một nước thuộc địa đánh bại một nước thực dân hùng mạnh hàng đầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với vai trò lãnh đạo kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh chiến dịch và tài quân sự xuất chúng của ông đã được cả thế giới biết đến, ngưỡng mộ.
Cuối năm 1953, trên toàn Đông Dương, quân Pháp lâm vào thế bị động. Để cứu vãn tình thế, Thu - Đông năm 1953, Pháp có sự trợ giúp của Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương. Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Pháp, Mỹ đã tăng cường xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là một giáo viên lịch sử, chưa từng học qua trường lớp chính quy về quân sự nhưng với tài thao lược quân sự hiếm có, cuối năm 1944, Bác Hồ tin tưởng giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân" (tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam). Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang chống lại quân Pháp xâm lược với cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội. Ngày 20/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110 phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Với sự tín nhiệm tuyệt đối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Bác Hồ giao trọng trách là Tổng tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch mang tính quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với kinh nghiệm chỉ huy nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc…và tâm niệm lời dặn của Bác Hồ "trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng hiểu rằng chỉ có đánh bại được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mới mở đường cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Vấn đề quan trọng nhất của chiến dịch là đánh như thế nào để tiêu diệt được cứ điểm đã được Pháp tập trung xây dựng kiên cố, hùng mạnh, hiện đại nhất bấy giờ. Mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh được triển khai theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” đã hoàn tất. Tuy nhiên, sau nhiều ngày khảo sát thực địa, Đại tướng nhận thấy địch không ngừng củng cố công sự ngày càng vững chắc, không còn ở thế phòng ngự dã chiến như ban đầu. Về phía ta, Đại tướng cho rằng ta có 3 khó khăn: một là, Bộ đội chủ lực của ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường công sự vững chắc, nhưng có những trận không thành công. Hai là, ta không có máy bay, xe tăng, đánh hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn đầu tiên mà lại chưa qua diễn tập. Ba là, bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, chưa có kinh nghiệm tấn công ban ngày trên địa bàn bằng phẳng với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng. Mặc dù quân đã dàn trận, đạn đã lên nòng, sẵn sàng khai hỏa vào 17 giờ ngày 25/01/1954 như kế hoạch đã định. Nhưng Đại tướng quyết định dừng lại cho lui quân về vị trí tập kết, pháo đã kéo vào nay lại kéo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Với trách nhiệm trước Đảng, trước lời căn dặn của Bác Hồ và nhất là trách nhiệm trước sinh mệnh của cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường, sau 11 ngày đêm theo dõi, suy nghĩ và tính toán, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: Đánh theo cách này nhất định thất bại và quyết định chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Với cách đánh này, quân ta sẽ đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, dồn địch vào tình thế ngày càng bị động để tiêu diệt chúng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” là quyết định khó khăn nhất của Đại tướng và đây được coi là sự kiện bước ngoặt nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp.
Và sự thực lịch sử là minh chứng hùng hồn cho quyết định lịch sử của Đại tướng. Chiều 13/3/1954 quân ta mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua 3 đợt tấn công quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và cá nhân Đại tướng đã đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng Đờ-cát-tơ-ri và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.
Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên hàng danh tướng được lịch sử quân sự thế giới ghi nhận. 69 năm đã đi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một bản anh hùng ca về tinh thần, ý chí, bản lĩnh của con người Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và trên bán đảo Đông Dương, là nguồn cổ vũ cho các nước thuộc địa ở Châu Á, châu Phi, Mỹ-Latinh đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Vũ Thị Hương - VKSND huyện Tứ Kỳ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.