Dấu ấn thị xã Hải Dương những ngày đầu giải phóng

Thứ năm - 17/10/2024 05:15
Năm 1954, sau tám năm chiến đấu trường kỳ, gian khổ và hy sinh anh dũng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia và quy định việc rút quân nước ngoài; việc tổ chức Tổng tuyển cử tự do ở mỗi nước; thực dân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam…
Bộ đội chuẩn bị tiếp quản thị xã Hải Dương (1954). Ảnh tư liệu
Theo đó, thị xã Hải Dương là nơi tập kết 100 ngày của quân đội Pháp. Tại thời điểm đó, nhiều ngụy quân, ngụy quyền và các thành phần xã hội khác cũng dồn về thị xã Hải Dương rất đông, khiến tình hình trật tự an ninh, an toàn xã hội, hệ lụy nạn đói…rất phức tạp. Các thế lực phản động, tay sai và phần tử xấu gây ra nhiều cảnh bắt bớ, cướp bóc, phản động gây rối, vận động giáo dân di cư vào Nam…
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, thị xã đã kịp thời tuyên truyền phổ biến tình hình, nhiệm vụ trong thời kỳ đầu thực hiện Hiệp định, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, giữ gìn trật tự xã hội, đấu tranh với các luận điệu phản động, bảo vệ tài sản trong các nhà máy, công sở trước khi đối phương rút đi…Đồng thời, thành lập Ủy ban quân chính do đồng chí Nguyễn Như Thiết, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 đứng đầu và một số đồng chí lãnh đạo khác cùng các ngành giới chuẩn bị cho viêc tiếp quản thị xã.
Ngày 27/10/1954, Ủy ban quân chính đã tiến vào nhận bàn giao của đối phương. Sáng 28/10/1954, đội dân cảnh tiếp tục vào thị xã. Trong quá trình bàn giao, đối phương đã gây ra không ít khó khăn, trở ngại, nhưng trước những lý lẽ của ta dựa trên nguyện tắc của Hiệp định, đến 5 giờ chiều ngày 29/10/1954, hai bên đã ký xong biên bản bàn giao.
Đúng 5 giờ ngày 30/10/1954, Trung đoàn 42 và một tiểu đoàn bộ đội của tỉnh cùng cán bộ, nhân viên các cơ quan tỉnh, thị xã từ quốc lộ 5 và đường 17 tiến vào thị xã Hải Dương. 6 giờ 30 phút cùng ngày, các lực lượng của ta đã tiếp nhận toàn bộ chuyển giao của đối phương tại các trạm gác trong thị xã. Đến 8 giờ 17 phút ngày 30/10/1954, tên lính cuối cùng của thực dân Pháp rút khỏi đầu cầu Phú Lương theo hướng Hải Phòng.
Vào 13 giờ cùng ngày hôm ấy, các đơn vị lực lượng vũ trang hùng dũng tiến vào thị xã trong âm hưởng ca khúc “Vào Hải Dương” của tác giả Hoàng Nam. Các tầng lớp nhân dân cầm cờ hoa đứng hai bên đường phố vẫy chào, đón mừng, rồi diễu qua các phố…Cuối cùng, các đoàn, có cả nhân dân từ các huyện lân cận kéo lên tập trung tại Vườn hoa Độc Lập (nay là Quảng trường Độc Lập - trước Bách hóa Tổng hợp). Nơi đây, từ chiều 18/8/1945 đã từng diễn ra cuộc mít tinh nghe ông Bạch Năng Thi, lãnh đạo Việt Minh, kêu gọi nhân dân ủng hộ chính sách của Mặt trận Việt Minh, đoàn kết một lòng, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.
Chiều 30/10/1954, nhân dân làm lễ chào cờ, bày tỏ tình cảm vô cùng phấn khởi khi thị xã được hoàn toàn giải phóng sau tám năm bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp, kìm kẹp. Những người mít tinh cũng bầy tỏ tình cảm biết ơn Đảng, Cụ Hồ, quân đội cùng toàn dân…đã lãnh đạo và tiến hành cuộc kháng chiến thành công; đồng thời, mở ra thời kỳ mới và hát vang câu “ta chung sức từ đây/xây thị xã tương lai đẹp hơn” (Bài “Vào Hải Dương”).
Đó là những dấu ấn thị xã Hải Dương những ngày đầu giải phóng (30/10/1954). Những thập niên qua, từ một đô thị nghèo nàn về kinh tế, lạc hậu về văn hóa - xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, thị xã Hải Dương đã từng bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc…đạt nhiều thành tựu to lớn mới vô cùng phấn khởi. Tiếp tục phát huy truyền thống đó, sau khi được công nhân là đô thị loại I (năm 2019), thành phố Hải Dương đang phấn đấu xây dựng xây, phát triển theo hướng “đô thị xanh - hiện đại - đô thị khỏe, an toàn, trật tự và bền vững”, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, cũng là hạt nhân của tỉnh Hải Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào trước năm 2030./.
                                                      Đức Dũng, Phạm Hưng, Thu Thủy 
Văn phòng tổng hợp
(sưu tầm)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây