Theo Healthline, đeo tai nghe nhét tai khi nghe nhạc hoặc podcast có thể là sở thích của nhiều người. Tuy nhiên, nó có thể không phải là điều tốt nhất cho thính giác của bạn.
Theo phân tích gần đây, mức độ tiếng ồn cao có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe kém trong tương lai.
Trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên có thể đặc biệt gặp nguy hiểm nếu họ thường xuyên nghe nhạc nhiều giờ mỗi ngày với âm lượng vượt quá giới hạn sức khỏe là 70 decibel.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng khoảng 50% số người từ 12 đến 35 tuổi có nguy cơ bị mất thính lực do tiếp xúc quá lâu và quá mức với âm thanh lớn, chẳng hạn như âm nhạc nghe qua thiết bị âm thanh cá nhân.
Trên New York Times, Tiến sĩ Cory Portnuff, nhà thính học tại Bệnh viện Đại học Colorado (Mỹ), cho biết, ý tưởng cho rằng tai nghe nhét tai có hại cho thính giác hơn các loại tai nghe khác là sai lầm. Quan niệm sai lầm này bắt nguồn từ suy nghĩ rằng, vì tai nghe nằm sâu hơn trong tai bạn nên nó sẽ gây ra nhiều tổn hại hơn so với thứ nằm xa hơn.Theo ông, thật hợp lý khi chúng ta nghĩ rằng tai nghe nhét tai có hại cho thính giác của chúng ta hơn vì chúng truyền âm thanh thẳng vào ống tai, trong khi các kiểu tai nghe đặt gần hoặc trên tai lại truyền âm thanh từ khoảng cách xa hơn. Tuy nhiên, điều thực sự quan trọng là âm lượng ở màng nhĩ của bạn chứ không phải âm lượng đến từ đâu.
Tiến sĩ Portnuff cho biết, nếu bạn đang cố gắng ngăn ngừa tình trạng tổn thương thính giác khi sử dụng tai nghe thì có một quy tắc đơn giản. Nó được gọi là 80-90, bạn có thể nghe một cách an toàn ở mức 80% âm lượng tối đa trong 90 phút mỗi ngày. "Nếu bạn nghe ở mức âm lượng nhỏ hơn, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn, nếu bạn nghe ở mức độ to hơn, bạn sẽ có ít thời gian hơn. Nói chung, nếu bạn đang nghe ở mức âm lượng tối đa 60% hoặc thấp hơn, bạn có thể nghe một cách an toàn cả ngày mỗi ngày", ông nói thêm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trung bình, mức âm lượng của thiết bị nghe cá nhân đạt tối đa từ 105 đến 110 decibel. Ở mức âm lượng cao nhất là 80%, tức là khoảng 85 decibel, tiếng ồn sẽ ngang bằng với tiếng ồn của máy cắt cỏ chạy bằng xăng hoặc âm thanh giao thông trong thành phố từ bên trong ô tô.
CDC lưu ý rằng để ngăn ngừa tình trạng mất thính lực do tiếng ồn, bạn nên tránh tiếp xúc lâu với âm thanh xung quanh trên 70 decibel (như tiếng máy giặt hoặc máy rửa chén). Nhưng tiếng ồn môi trường từ 60 decibel trở xuống (như từ một cuộc trò chuyện bình thường hoặc tiếng ồn của máy điều hòa) thường sẽ không gây tổn hại thính giác.
Tiến sĩ Daniel Fink, bác sĩ nội khoa và chủ tịch một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giảm tác động của tiếng ồn đối với sức khỏe, cho biết: "Không có cái gọi là tai nghe an toàn, đặc biệt là khi có rất nhiều người phải tăng âm lượng để bù đắp cho môi trường ồn ào xung quanh họ".
Lê Thị Huyền - Phòng 2
(Sưu Tầm, biên soạn)