- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
(Tuyên truyền kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Hải Dương)
Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết về việc tách và điều chỉnh địa giới một số tỉnh, trong đó có Hải Hưng. Ngày 01/01/1997, tỉnh Hải Dương được tái lập với 9 đơn vị hành chính, gồm: thị xã Hải Dương và các huyện: Chí Linh, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Cẩm Bình, Nam Thanh, Kim Môn. Tháng 4/1997, các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà được tái lập.
Kể từ ngày 01/01/1997 đến nay, trải qua 2 thập kỷ phát triển, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương anh hùng, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Hải Dương đã đoàn kết, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là:
- Thứ nhất: Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đồng thời có sự chuyển dịch giữa các thành phần kinh tế và các vùng trong tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2010-2015 năm đạt 40.730 tỷ đồng, năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn đạt 10.600 tỷ đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (399,4 tỷ đồng).
Môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi, đã khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển cả về số lượng và quy mô, nhiều doanh nghiệp có dự án lớn như: Công ty May Tinh Lợi, Công ty Ford, Tập đoàn Sumidenso, Tập đoàn Brother, Tập đoàn Lucky, Công ty UMC Việt Nam, Công ty Uniden... đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 20 năm qua, sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ khá nhanh. Hiện tại Hải Dương đã quy hoạch và phát triển 18 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 10 khu đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô khá, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 60%; đã quy hoạch 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.403 ha, thu hút 301 dự án đầu tư với diện tích thuê đất 601 ha.
Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, mạng lưới kinh doanh thương mại đã có mặt ở hầu hết các địa bàn dân cư. Với tài nguyên du lịch phong phú, Hải Dương từng bước hình thành các tuyến, sản phẩm du lịch có chất lượng và đặc thù, gắn du lịch văn hóa với các di tích, danh thắng như: Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ, Văn miếu Mao Điền...; du lịch các vùng sinh thái: đảo Cò (Thanh Miện), sông Hương (Thanh Hà)...; du lịch làng nghề: múa rối nước, Gốm Chu Đậu,...
- Thứ hai: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện năng phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. tỉnh đã tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Dự án cầu Hàn, nút giao lập thể tại Ngã Ba hàng, đường 62 m kéo dài, đường 388 đoạn An Thái - Mạo Khê, hệ thống giao thông nông thôn, mạng lưới cấp nước sạch đến 100% các xã, phường, thị trấn, Nhà máy chế biến rác thải 7 sinh hoạt, ...
Một số dự án quan trọng khác đang được tích cực đầu tư như: Đường trục Bắc Nam, đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc... Hạ tầng văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư. Xây dựng và đưa vào sử dụng 1.811 phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học tăng nhanh (mầm non đạt 78,6%, tiểu học 94,8%, trung học cơ sở 94,7%, trung học phổ thông 97,9%).
Cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi; cải tạo, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần và bệnh viện các huyện, thành phố, thị xã. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Thư viện Tổng hợp tỉnh.
Đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 54 lượt di tích xếp hạng; hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng một số công trình, dự án trong Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc như: khuôn viên đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán giai đoạn 2, tu bổ tôn tạo Tòa Trung từ và hậu cung Đền Kiếp Bạc.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được sự quan tâm, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 85 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp 2.350 km đường giao thông nông thôn; đến nay 92,5% đường xã và liên xã, 91,7% đường thôn, 88,6% đường xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Mạng lưới cấp nước sạch được đầu tư xây lắp tới 100% các xã. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt gần 88%.
- Thứ ba: Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, các lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển. Toàn tỉnh không còn hộ đói, trên 99% số hộ có nhà xây mái ngói, 100% số hộ có điện sinh hoạt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,99% năm 2010 xuống còn 3,27% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 1,5%. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 517 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 55,85%).
Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe được đẩy mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 16,6% năm 2010 xuống còn 12,2% năm 2015. Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 58,0% năm 2010 lên 75,1% vào năm 2015. Số bác sĩ/vạn dân từ 6,0 năm 2010 tăng lên 7,9 năm 2015, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc từ 64,2% năm 2010 tăng lên 80% vào năm 2015. Số giường bệnh trên 1 vạn dân năm 2015 đạt 30,4 giường bệnh (tính cả giường trạm y tế xã).
Công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2010-2015 đã tuyển sinh dạy nghề cho 135.100 người, bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho 32.942 lao động.
Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 31 triệu đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có bước phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Toàn tỉnh có 85% số gia đình văn hoá, 86,6% số làng, khu dân cư văn hóa; 85% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được chú trọng, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được công nhận xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 02 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng; toàn tỉnh có 94,2% số xã và 97% số thôn có nhà văn hóa.
- Thứ tư: Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh. Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, phong trào quần chúng “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Đảm bảo an toàn giao thông”, “Tổ dân phố tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ dân phố 3 giảm” được đẩy mạnh. Phong trào thi đua “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, thi đua “Quyết thắng” trong lực lượng quân sự địa phương được phát động liên tục, rộng khắp.
- Thứ năm: Hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên; phương thức lãnh đạo, năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo toàn diện trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức; việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được nhiều kết quả; công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh được coi trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh được nâng lên, đã lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh qua từng giai đoạn, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và liên tục trên các lĩnh vực.
Năm 1997, toàn tỉnh mới có trên 70.000 đảng viên (ở 775 chi, đảng bộ cơ sở) thì đến tháng 6/2016, toàn Đảng bộ đã có trên 100.000 đảng viên, sinh hoạt ở 795 chi, đảng bộ cơ sở thuộc 16 đảng bộ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy. Năm 2015, có 78,6% tổ chức cơ sở Đảng được công nhận tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp ngày càng được nâng cao.
TK (tổng hợp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.