Hải Dương những thời khắc lịch sử năm 1945

Thứ tư - 17/08/2016 06:07
(Tuyên truyền kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng 8)
Đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Châu Âu, giải phóng hàng loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béclin. Ngày 8/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Uỷ ban khởi nghĩa gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và cho chiến sĩ cả nước ngay trong đêm ấy.
Ngày 16/8/1945, đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “lệnh tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc Kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra uỷ ban dân tộc giải phóng Trung Ương, tức chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuốc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám thành công. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14/8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Từ ngày 14 đến 18, tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An.
Được sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Tỉnh uỷ Hải Dương triệu tập Hội nghị cán bộ ở Đông Thôn (xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện) từ ngày 13/8/1945 do đồng chí Nguyễn Văn Kha chủ trì cùng các đồng chí trong Ban Tỉnh uỷ, Ban cán sự Việt Minh, các đồng chí phụ trách Việt Minh của các huyện. Hội nghị chủ trương chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Ngày 17-8-1945, huyện Cẩm Giàng khởi nghĩa, mở đầu cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương. Từ tờ mờ sáng quần chúng cách mạng ở các xã, đội ngũ chỉnh tề, mang cờ đỏ sao vàng và vũ khí hiên ngang tiến vào huyện đường. Bọn quan lại, binh lính hoảng sợ đầu hàng, giao lại hồ sơ, sổ sách, triện đồng và vũ khí cho cách mạng.
Cùng ngày, hai huyện Kim Thành và Kinh Môn, quần chúng cách mạng cũng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.
Tại thành phố Hải Dương, nhờ thấm nhuần tinh thần của Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" không khí chuẩn bị khởi nghĩa rất sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân. Việt Minh ở các khu phố tổ chức may cờ, làm áp phích với không khí khẩn trương náo nhiệt.
Đúng 15h ngày 17-8-1945, chính quyền bù nhìn tổ chức một số quần chúng ở câu lạc bộ An Nam còn gọi là Xéc Ta (nay là thư viện tỉnh Hải Dương) định diễu qua các phố lớn ra sân Vọng Cung (nay là Nhà hát nhân dân) để tổ chức mít tinh. Nhưng đoàn biểu tình vừa mới đến giữa phố Đông Thị (nay là phố Quang Trung) thì có súng hiệu nổ. Lực lượng của ta bố trí ở hai bên đường nhập vào hàng người biểu tình cùng với một số người đã bố trí từ trước ở trong đoàn biểu tình, hạ cờ "quẻ ly" xuống, giương cờ đỏ sao vàng lên. Những khẩu hiệu "đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim", "ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh" liên tục vang lên khắp các đường phố. Khi đoàn biểu tình đi tới trước vườn hoa Bảo Đại (nay là quảng trường độc lập) đã dừng lại mít tinh. Một đại biểu của Việt Minh đứng lên phổ biến 10 điều cứu nước của Mặt trận Việt Minh và báo tin Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ Việt Minh giành độc lập nước nhà. Tiếp sau đó, đoàn quân khởi nghĩa được Việt Minh tổ chức lần lượt đi chiếm các công sở của tỉnh, đến dinh tổng đốc, trại lính Nhật và trại bảo an binh...tại dinh tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Dương Thiệu Tường đã bỏ nhiệm sở trước đó hàng tháng, chỉ còn thượng tá Trần Văn Tuyên đã bàn giao triện bạ, sổ sách cho cách mạng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Hải Dương thắng lợi nhanh gọn, là một trong 4 tỉnh giành chính quyền đầu tiên trong cả nước (Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hải Dương).
Sau các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Kinh Môn và thành phố Hải Dương giành chính quyền thắng lợi, các huyện còn lại, dưới sự lãnh đạo của các cơ sở Đảng và Việt Minh, quần chúng nhân dân với vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu cách mạng, xông vào các huyện đường lật đổ chính quyền phong kiến bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng: ngày 18-8-1945, hai huyện Bình Giang và Thanh Miện, ngày 19-8-1945 hai huyện Gia Lộc và Nam Sách, ngày 20-8-1945, huyện Ninh Giang, ngày 22-8-1945 hai huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ.
Cách mạng tháng Tám là sự kiện vĩ đại trong lich sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây