Hiệp hội Công tố viên quốc tế

Thứ ba - 26/10/2021 23:04

Hiệp hội Công tố viên quốc tế (viết tắt là IAP) là một tổ chức phi chính phủ, phi chính trị và là Hiệp hội nghề nghiệp duy nhất của các Kiểm sát viên, Công tố viên trên thế giới; được thành lập vào tháng 6 năm 1995 tại Văn phòng Liên Hợp quốc ở Viên, Áo và chính thức ra mắt ở Bu-đa-pét, Hung-ga-ri tại Hội nghị thường niên lần thứ nhất của Hiệp hội tổ chức vào tháng 9 năm 1996. Trụ sở chính của Hiệp hội IAP được đặt tại Hà Lan. Sự ra đời của Hiệp hội IAP xuất phát từ nhu cầu tăng cường hợp tác giữa các Kiểm sát viên, Công tố viên trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm về ma túy, rửa tiền, lừa đảo, buôn bán người...Mục đích hoạt động của Hiệp hội IAP là: Nâng cao tính hiệu quả, công bằng, khách quan và hiệu lực trong việc truy tố tội phạm; Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, được nêu trong Tuyên bố toàn cầu về quyền con người của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 10/12/1948, Đề cao các chuẩn mực và nguyên tắc trong việc thực thi pháp luật, bao gồm các thủ tục nhằm loại trừ hoặc giải quyết việc oan sai, thúc đẩy các nguyên tắc pháp quyền; Hỗ trợ các Kiểm sát viên, Công tố viên trên phạm vi quốc tế trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và các loại tội phạm nghiêm trọng khác thông qua việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc thu thập và cung cấp chứng cứ; truy tìm, kê biên và tịch thu tài sản có nguồn gốc từ tội phạm; truy tìm tội phạm bỏ trốn; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao tính hiệu quả hợp tác quốc tế trong các hoạt động đó……

Hiệp hội IAP có hai loại thành viên: Thành viên là tổ chức và thành viên là cá nhân. Thành viên tổ chức là Viện kiểm sát, Cơ quan Công tố, Hiệp hội Công tố viên ở các nước, các cơ quan tư pháp, tổ chức phòng chống tội phạm, các tổ chức khu vực hoặc các tập hợp khác của Kiểm sát viên, Công tố viên. Việc chấp thuận tư cách thành viên tổ chức do Ban Điều hành của Hiệp hội quyết định.Thành viên cá nhân là các Kiểm sát viên, Công tố viên, những người làm công tác pháp luật được Nhà nước hoặc đại diện cho Nhà nước bổ nhiệm hoặc người có thẩm quyền truy tố tội phạm hoặc người được bầu để làm việc đó, các Thẩm phán điều tra, các luật sư, những người thường xuyên được các Kiểm sát viên, Công tố viên sử dụng để tiến hành hoặc trợ giúp trong việc truy tố tội phạm. Việc chấp thuận tư cách thành viên cá nhân do Tổng Thư ký Hiệp hội quyết định. 

Hiện tại, Hiệp hội IAP có khoảng 160 thành viên tổ chức và 1.400 thành viên cá nhân, đại diện cho hơn 200.000 Kiểm sát viên, Công tố viên ở hơn 130 quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc..., các quốc gia thành viên ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines...Hiệp hội IAP là đối tác của Hội đồng kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.

Tại Hội nghị công tác cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức vào tháng 6/2011 ở thành phố Hồ Chí Minh và Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2013 tổ chức vào tháng 01/2013 ở Hà Nội; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có ý kiến chỉ đạo: “… Ngành Kiểm sát nhân dân cần chủ động nghiên cứu, báo cáo với Đảng, Nhà nước xem xét để Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Hiệp hội Công tố viên quốc tế”. Việc tham gia Hiệp hội IAP cũng được xác định là một nội dung trong chương trình công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016)(1).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và Chương trình công tác của Viện trưởng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Đề án, tích cực triển khai nghiên cứu về Hiệp hội IAP và việc tham gia Hiệp hội. Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước và Ban Bí thư đã đồng ý chủ trương cho phép Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Hiệp hội IAP với tư cách là thành viên tổ chức; đồng thời chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm tham gia Hiệp hội(2). Sau khi hoàn thành các thủ tục đối ngoại cần thiết, tháng 9/2013, Hiệp hội IAP đã mời Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam tham dự Hội nghị và Đại hội thường niên lần thứ 18 tổ chức tại Mát-xcơ-va, Liên bang Nga với tư cách thành viên của Hiệp hội. Ngày 18/10/2013, Tổng Thư ký Hiệp hội IAP gửi thư cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo về việc Ban Điều hành Hiệp hội khẳng định chính thức tư cách thành viên tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam.

Việc tham gia Hiệp hội IAP của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam là cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực, vì những lý do sau:

Thứ nhất, Hiệp hội IAP là tổ chức nghề nghiệp duy nhất của các Kiểm sát viên, Công tố viên trên toàn thế giới. Hiệp hội được thành lập nhằm mục đích thiết lập và nâng cao các chuẩn mực ứng xử nghề nghiệp của Kiểm sát viên, Công tố viên; thúc đẩy các nguyên tắc pháp quyền, sự công bằng, khách quan; tôn trọng quyền con người và tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia. Như vậy, tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội IAP là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát Việt Nam. Việc tham gia Hiệp hội phù hợp với định hướng về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, được nêu trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04/CT-TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư về công tác đối ngoại nhân dân, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế...

Thứ hai, việc tham gia Hiệp hội IAP mang lại một số quyền và lợi ích thiết thực cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội IAP, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được hưởng những quyền lợi  sau:

(1) Là thành viên của một mạng lưới quốc tế;

(2) Được truy cập trang thông tin điện tử của Hiệp hội và các thông tin dành riêng cho thành viên của Hiệp hội;

(3) Được nhận ấn phẩm hàng quý, bao gồm báo cáo về các hoạt động của Hiệp hội và được thông tin về các vấn đề thời sự của Kiểm sát viên, Công tố viên trên thế giới;

(4) Được truy cập tài liệu đào tạo và địa chỉ liên hệ trên Mạng thông tin điện tử về tội phạm của Kiểm sát viên, Công tố viên thế giới (Global Prosecutor E-Crime Network - GPEN);

(5) Được tham gia vào các Hội nghị hàng năm và Hội nghị khu vực của Hiệp hội;

(6) Được tham gia vào các chương trình hỗ trợ của Hiệp hội;

(7) Được tiếp cận Chương trình trao đổi Kiểm sát viên, Công tố viên của Hiệp hội (PEP);

(8) Có cơ hội được tham gia vào các dự án và chương trình khác của Hiệp hội;

(9) Được tiếp cận các ấn phẩm của Hiệp hội;

(10) Có cơ hội công bố và phổ biến các bài viết của Kiểm sát viên, Công tố viên;

(11) Được giảm lệ phí đăng ký của một số sự kiện và hội nghị quốc tế.

Như vậy, việc tham gia Hiệp hội IAP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp cận được nhiều thông tin về các chủ đề pháp luật và công tác chuyên môn; có thêm cơ hội để nâng cao năng lực cán bộ; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp. Với việc tham gia Hiệp hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có cơ hội chủ động tham gia vào việc giải quyết các vấn đề thời sự trong hợp tác pháp luật và tư pháp được cộng đồng quốc tế quan tâm.

Thứ ba, Hiệp hội IAP có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực có uy tín như Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tòa hình sự quốc tế, Mạng lưới quốc tế để thúc đẩy pháp quyền (INPROL), Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hội đồng châu Âu, Ban thư ký khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Secretariat), Hiệp hội Công tố viên các nước Ibero-American (AIAMP), Tổ chức Tư pháp châu Âu (Eurojust)... Đây cũng có thể xem là một điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi cần tiếp cận, thiết lập quan hệ với các tổ chức này.

Sau khi đã tham gia những cơ chế hợp tác đa phương như Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố, Tổng Chưởng lý thế giới; Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước Á - Âu; Hiệp hội các cơ quan phòng, chống tham nhũng quốc tế (IAACA), Hội nghị Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc... thì việc trở thành thành viên của Hiệp hội IAP đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu và thực chất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước trên thế giới; góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và nâng cao năng lực đội ngũ Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Để có thể tham gia sâu và có hiệu quả vào các hoạt động và khai thác hết được những lợi ích của thành viên Hiệp hội IAP, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật quốc tế và có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) giỏi./. 

                                                                                            Đỗ Thị Loan (sưu tầm)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây