Hướng về cội nguồn ngày giỗ tổ Hùng Vương, mùng 10 tháng 3 Âm lịch

Thứ tư - 17/04/2024 05:27
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Ngày 10/3 âm lịch đang đến rất gần, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương.     
Truyền thuyết kể lại rằng: Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Vì vậy, năm mươi người con đã nghe theo mẹ lên núi, năm mươi người con nghe theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương. Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng và chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 đã chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.
Hình ảnh: Nguồn sưu tầm Internet
Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 chính là ngày lễ nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Theo tục lệ hàng năm, ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Đây là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về đây bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước. Ý nghĩa của giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Vì ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 là đặc biệt quan trọng nên những nghi thức được tiến hành rất cầu kì. Khi tế lễ Hùng Vương thường có âm nhạc, lễ vật, một ban tế lễ gồm những người có chức sắc được làm chủ tế. Ngoài ra trong ngày giỗ tổ Hùng Vương người ta thường trang trí thêm cờ xí, nhạc lễ, phẩm phục, phẩm vật tế lễ. Những loại phẩm vật thường dùng là bò, dê, heo, hoa quả, bánh chưng, bánh giầy, xôi, chè, kẹo,…
 Hình ảnh: Nguồn sưu tầm Internet
Hai loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày, mọi người cũng có thể dâng hương hoa hay lễ mặn là xôi – gà… Điều quan trọng chính là ở sự chân thành chứ không phải ở cái lễ. “Dâng lễ vật lên tổ tiên không quan trọng ở vật chất mà nên dâng những cái tinh túy nhất, mang giá trị tinh thần chứ mâm cao cỗ đầy mà không chân thành cũng mất đi giá trị. Du khách có thể về với Đền Hùng chỉ cần thắp một nén hương để thể hiện tấm lòng hướng về ngày giỗ Tổ và cầu mong cho bản thân một điều gì đó. Muốn lễ đúng phải lễ đủ nội dung là: Tạ ơn, sám nguyện, cầu nguyện, hứa nguyện sau đó mới đến dâng lễ”.
Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội: Lễ rước kiệu vua, lễ dâng hương. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian: cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
Nằm trong những ngày lễ lớn của dân tộc, Giỗ tổ Hùng Vương là một sự kiện trọng đại của dân tộc. Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những biến cố của đất nước qua các thời kỳ đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước. Trải qua các thời kỳ thăng trầm khác nhau và để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng. Chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên, là con cháu của các vị vua Hùng đã gây dựng nên đất nước Văn Lang, Âu Lạc và đánh thắng giặc ngoại xâm làm nền móng cho nước Việt Nam ngày nay. Đó là những ngày đầu hoang sơ nhất mở ra một thời kỳ lịch sử huy hoàng cho dân tộc ta. Chúng tôi- thế hệ trẻ của đất nước luôn ghi nhớ công lao to lớn đó và không ngừng học tập, đóng góp cho xã hội, cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển để sánh vai với các cường quốc Năm Châu.
                                                           Nguyễn Hà – VKSND TP. Chí Linh
(Sưu tầm)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây