Đền Tranh tại thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, thờ Quan lớn Tuần Tranh là Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia. Lễ hội truyền thống Đền Tranh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Những ngày này, UBND huyện Ninh Giang đang tích cực cùng chính quyền và Nhân dân xã Đồng Tâm triển khai mọi công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ khai hội Đền Quan lớn Tuần Tranh xuân Giáp Thìn 2024 và công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích quốc gia Đền Tranh, xã Đồng Tâm là Điểm du lịch.
(Cổng vào Đền Tranh xã Đồng Tâm)
Nằm cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 30km về phía Nam, Đền Tranh xã Đồng Tâm khi nhắc đến, bất cứ người dân địa phương nào cũng cảm thấy tự hào. Đền Tranh là một ngôi đền lớn thờ nhân vật huyền thoại Quan lớn Tuần Tranh - một vị quan Tuần Phủ được giao cai quản ngã 3 sông Tranh, nơi giao nhau của 3 vùng đất Ninh Giang - Vĩnh Bảo - Quỳnh Phụ. Quan Lớn Tuần Tranh là một vị quan mẫu mực, hết lòng vì dân vì nước, bảo vệ vùng đất Ninh Giang, xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân. Quan Lớn Tuần Tranh sống trong lòng mỗi người dân Ninh Giang như một vị Thần. Để tưởng nhớ công đức to lớn của Quan Lớn Tuần Tranh, chính quyền địa phương và những người con Ninh Giang đã xây dựng ngôi đền thờ ông. Ngược dòng lịch sử vào thời nhà Nguyễn, Đền Tranh được xây dựng rất hoành tráng, có tượng Quan lớn Tuần Tranh và những hoa văn, chạm trổ tinh xảo. Đến năm 1887, thực dân Pháp đến Hải Dương và đã sử dụng Đền Tranh làm điểm đóng quân nhưng không dám phá đền bởi biết Đền rất linh thiêng. Nhưng đến năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Đền bị phá, chỉ còn 3 gian cung cấm. Đến năm 1966, thể theo nguyện vọng của nhân dân thôn Tranh Xuyên, Đền được chuyển về vị trí như ngày nay. Ban đầu chỉ chuyển 3 gian cung cấm về. Tại đây, Đền từng bước được tu bổ, khôi phục lại các hạng mục. Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc, Đền Tranh đã được nhân dân trùng tu lớn. Đền quay hướng Tây Nam, nhìn lên đường lớn.
Đền Tranh - là một công trình kiến trúc tâm linh lớn và cũng là một trong những ngôi Đền thiêng biểu tượng của vùng Đồng Bằng Bắc bộ. Quần thể kiến trúc ở khu vực Đền Tranh bao gồm cả chùa Tranh ngăn cách bởi một hồ nước. Đền được xây gồm 3 tòa: tiền đường, trung từ và hậu cung. Mỗi công trình gồm 7 gian, tổng số là 21 gian. Kiến trúc phỏng theo thời Lê và thời Nguyễn. Đặc biệt, Đền còn bảo lưu được một số cổ vật có giá trị nghệ thuật. Trong dân gian vẫn truyền tụng là “Đền thiêng lắm, linh ứng lắm, cầu gì được nấy” nên kỳ hội mở hàng năm, du khách trong nước và nước ngoài về trẩy hội rất đông. Hàng năm, Đền Tranh có hai kỳ lễ hội. Kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 20 tháng 2 Âm lịch, chính hội là ngày 14 tháng 2. Kỳ thứ hai là từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 Âm lịch, chính hội là ngày 22 tháng 8. Ngoài hai lễ hội chính, vào tháng 5 Âm lịch còn có một ngày đông du khách thập phương về với đền nhất là ngày “Tiệc quan”. Tiệc này trong truyền thuyết là ngày Quan Lớn khao tiệc. Ngoài ra nhắc Đến Quan lớn Tuần Tranh là du khách nhắc đến hoạt động Diễn xướng Hầu thánh với 36 giá Hầu. Các sự lệ và lễ hội trong năm tại Đền Tranh thể hiện ước vọng, năng lực sáng tạo văn hóa của cộng đồng nhân dân tại địa phương. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa tại Đền Tranh đã làm sống lại những giá trị văn hóa nghệ thuật của một vùng quê văn hiến có bề dày lịch sử lâu đời, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc .
(Cảnh tế lễ tại đền Tranh – Nguồn Ninh Giang)
Vào năm 2009, Đền Tranh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tháng 4/2022 lễ hội truyền thống Đền Tranh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để thu hút được đông đảo du khách về tham quan, chiêm bái tại Đền Tranh, những năm gần đây, huyện Ninh Giang luôn chú trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Đền Tranh cũng như các lễ hội. Qua đó, những nét đẹp truyền thống của vùng đất Ninh Giang và tỉnh Hải Dương đã được quảng bá đến với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, di tích quốc gia Đền Tranh đã được UBND tỉnh Hải Dương quyết định công nhận là điểm Du lịch.
Đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho Lễ hội đang được gấp rút hoàn thành và đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Công tác tuyên truyền cho Lễ hội được đặc biệt quan tâm, giúp cho Nhân dân địa phương và du khách thập phương nắm rõ thời gian và nội dung các hoạt động trong chương trình Lễ hội. Cơ sở vật chất phục vụ cho Lễ khai mạc được chú trọng. Trong đó hệ thống sân khấu, âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp được thiết kế và thi công với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Chương trình nghệ thuật đêm mùng 9 và sáng mùng 10 tháng 2 âm lịch được dàn dựng công phu, hoành tráng, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ Trung ương và Nhà hát Chèo Hải Dương. Nghi lễ rước nước tại ngã ba sông Luộc về đền cũng được chuẩn bị hết sức chu đáo và sẽ là điểm nhấn trong Lễ hội năm nay. Đền Tranh được UBND tỉnh công nhận là điểm Du lịch, là sản phẩm OCOP 4 sao.
(Hoạt động lấy nước và rước nước về Đền - Nguồn Ninh Giang)
Do vậy, việc tổ chức lễ hội năm nay với quy mô cấp huyện, sẽ là tiền đề để quảng bá, xúc tiến du lịch, để du khách thập phương về với mảnh đất, con người Ninh Giang, đồng thời cũng là dịp để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”. Lễ hội đền Tranh năm nay được tổ chức trong 03 ngày, ngày 19/3/2024 và ngày 23, 24/3/2024 (tức ngày mùng 10 tháng 02 và ngày 14, 15 tháng 02 năm Giáp Thìn). Với nhiều hoạt động phong phú bên cạnh việc tổ chức các nghi lễ truyền thống như tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP, chương trình giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian như: đập niêu đất, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt dê, Vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, bóng bàn, bóng chuyền hơi Nam - Nữ, pháo đất, kéo co, cờ tướng, múa rối nước… Đặc sắc nhất là lễ rước nước, các đoàn dâng lễ vật, chương trình văn nghệ, khai hội, công bố quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Tranh là điểm Du lịch, dâng hương, tế Quan và tế Mẫu. Ngoài hoạt động dâng hương, lễ hội còn có hoạt động Diễn xướng hầu Thánh rất đặc sắc. Đến nay mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã được UBND huyện Ninh Giang và chính quyền xã Đồng Tâm chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đón tiếp du khách về dự dâng hương, chiêm bái.
Đền Tranh là nơi đi trình về tạ của những người đi sông nước. Lễ hội đền Tranh là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian được đại đa số nhân dân ngưỡng vọng nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây lễ hội Đền Tranh ngày càng thu hút nhiều du khách thập phương đến chiêm bái. Lễ hội Đền Tranh năm nay được tổ chức chu đáo hơn so với mọi năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời, cùng với các Di tích lịch sử văn hoá khác trong huyện tạo nên những điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Đây cũng là dịp để nhân dân xã Đồng Tâm nói riêng và nhân dân huyện Ninh Giang bày tỏ tình cảm mến khách, hòa đồng trong những ngày đầu xuân ấm áp tình hồng./.
|
Nguyễn Thành Trung
VKSND huyện Ninh Giang
(Sưu tầm) |