Lời dặn của Bác “Dĩ bất biến ứng vạn biến” hoàn cảnh lịch sử và ý nghĩa

Thứ ba - 27/09/2016 22:21
(Tuyên truyền kỷ niệm 140 năm ngày sinh Huỳnh Thúc Kháng)
 
Huỳnh Thúc Kháng, sinh ngày 01/10/1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Ông vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm 1900, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 1904, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội, trở thành một người nổi tiếng của xứ Quảng thời ấy. Vốn không tham quyền chức nên sau khi đỗ tiến sĩ, Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà đi dạy học, tìm đọc nhiều sách báo có nội dung tư tưởng mới, nuôi ý chí canh tân đất nước. Năm 1905, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đi tìm hiểu tình hình thực tế ở phía Nam, xem xét dân tình, sĩ khí, đề xướng tân học và tìm bạn cùng chí hướng. Năm 1906, trở về Quảng Nam khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy tân (1906-1908). Do tham gia khởi xướng cuộc vận động Duy tân ở Trung Kỳ, rồi phát triển thành một phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân, trong đó có phong trào chống thuế năm 1908, nên Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đày đi tù Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Sau khi được trả tự do, Huỳnh Thúc Kháng lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước.
Tháng 7/1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ.Tuy nhiên, sau khi thấy Viện Dân biểu không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân nên Huỳnh Thúc Kháng xin từ chức (năm 1928), tập trung vào nghiệp báo chí, văn chương, làm chủ nhiệm đồng thời là chủ bút Báo Tiếng dân suốt 16 năm (1927-1943). Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Từ năm 1946 làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt), rồi làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp (31/5/1946-20/10/1946).
Ngày 31-5-1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến ứng vạn biến. Thực ra câu "Dĩ bất biến ứng vạn biến" chỉ là một vế trong đôi câu đối hoàn chỉnh mà vế thứ hai là "Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm" (Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình) trong nền văn hóa, triết học phương Đông. Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là bản thể.  Ý nghĩa nhân sinh sâu xa của triết lý này còn là ở chỗ, trong cuộc sống nên nắm giữ cái lớn lao, đừng có sa vào những cái vụn vặt nhất thời, nên đứng ở chốt (cái bất biến) mà quan sát, từ đó dung hòa, quân bình vạn vật. Những bậc thánh nhân luôn đứng ở cái bất biến mà quan sát cái vạn biến, dùng bất biến ứng phó với vạn biến, do đó mà thánh nhân trường cửu (bất biến). Không nắm được cái bất biến mà suốt đời cứ chạy theo cái vạn biến thì cả đời mỏi mệt. Nói cụ thể, trong cuộc đời mỗi người nên nhìn ra cái lớn, chứ đừng nên sa vào những cái vụn vặt, tầm thường; phải nhận ra đâu là bản thể trong cái hiện tượng, đâu là cái vĩnh hằng trong cái tạm thời, đâu là cái không thay đổi trong cái thay đổi, đâu là cái toàn thể trong cái cục bộ, đâu là cái bất biến trong cái vạn biến,...; còn nếu không, ta rất dễ lạc vào cái mê cung, lạc vào rừng rậm của những sự kiện lẻ tẻ, vụn vặt mà không biết đường ra.
Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, cái bất biến chỉ có thể là: độc lập, tự do, hạnh phúc. Nếu không có độc lập, tức bị vong quốc, mất nước, đất nước trong cảnh nô lệ lầm than thì làm gì có tự do, lấy đâu ra tự do, hạnh phúc, dân chủ. Chính vì vậy, nước bị mất độc lập thì việc đầu tiên là phải giành cho bằng được độc lập, và trong hoàn cảnh như vậy, độc lập cho đất nước là cái bất biến số một hàng đầu. Có độc lập rồi thì mới nói đến chuyện dân làm chủ; còn nếu không có độc lập thì cũng không thể có dân chủ. Có độc lập chúng ta phải lập tức xây dựng một nhà nước mà dân làm chủ, có nghĩa là bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Có như vậy mới đem lại được tự do, hạnh phúc cho dân./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây