Ngành tư pháp Việt Nam-71 năm xây dựng và phát triể

Thứ hai - 29/08/2016 05:55
(Tuyên truyền kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống ngành tư pháp 28/8/1945-28/8/2016)
 
Ngày 28/8/1945 đã đi vào mốc son lịch sử của dân tộc ta. Đó là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước Quốc dân đồng bào, cũng như toàn thế giới, về việc thành lập Nội các Thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do Ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Kể từ đó tới nay, trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngành Tư pháp, với chức năng xuyên suốt là xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về công tác pháp luật và các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đã bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Năm 1958, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá I, Toà án nhân dân tối cao và Viện Công tố Trung ương trực thuộc Chính phủ được thành lập, tách khỏi Bộ Tư pháp. Sau đó, trên cơ sở Hiến pháp 1959, Luật Tổ chức Toà án nhân dân 1960 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1960, đã hình thành hệ thống Toà án nhân dân và hệ thống Viện kiểm sát nhân dân độc lập với Chính phủ. Cũng từ năm 1960, theo Luật Tổ chức Chính phủ, trong thành phần Chính phủ không có Bộ Tư pháp. Các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về quản lý tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra (tư pháp công an), truy tố (viện công tố), xét xử (toà án), thi hành án được chuyển giao cho Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và một phần cho chính quyền địa phương. 
Năm 1972, trong Tờ trình số 911-TC ngày 12/9/1972 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã nhận định: “Chúng ta chưa phát huy được đầy đủ tác dụng tích cực của pháp chế xã hội chủ nghĩa trong mọi mặt hoạt động của Nhà nước. Công tác pháp chế chưa được gắn chặt với toàn bộ việc quản lý nhà nước. Hệ thống tổ chức pháp chế chưa hình thành ...”. Để khắc phục tình hình đó, Hội đồng Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ. Uỷ ban Pháp chế là cơ quan chủ quản về mặt pháp chế của Hội đồng Chính phủ, được phân công phụ trách công tác pháp chế do Hội đồng Chính phủ đảm nhiệm trong việc quản lý nhà nước, đặc biệt trong việc quản lý kinh tế.  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn thành lập Uỷ ban Pháp chế bằng Nghị quyết số 223-NQ/QH-K4 ngày 14/9/1972 do Chủ tịch Trường Chinh ký. Uỷ ban Pháp chế được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 190/CP ngày 09/10/1972 của Hội đồng Chính phủ với chức năng quản lý thống nhất công tác pháp chế của Hội đồng Chính phủ. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp chế là Ông Trần Công Tường (1972 - 1978), Ông Nguyễn Ngọc Minh (1978-1979) và Ông Trần Quang Huy (1979 - 1981). Trụ sở của Uỷ ban Pháp chế đặt tại số 5 Ông ích Khiêm – Hà Nội.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong các năm 1975 - 1976, Uỷ ban Pháp chế cùng với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất việc tiếp quản trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp thuộc chế độ nguỵ quyền và tiếp nhận bàn giao công việc của Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, thống nhất về mặt tổ chức, hoạt động của các cơ quan pháp chế, toà án, kiểm sát trên toàn quốc
Ngày 17 tháng 3 năm 1981, trong phiên họp về công tác nội chính, Bộ chính trị đã cho ý kiến về việc thành lập Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ của Uỷ ban Pháp chế của Chính phủ và một phần nhiệm vụ của Toà án nhân dân tối cao – quản lý toà án địa phương về tổ chức để Toà án nhân dân tối cao tập trung vào công tác xét xử, giám đốc việc xét xử và tổng kết, hướng dẫn thực tiến xét xử. Đảng bộ Bộ Tư pháp thuộc khối Nội chính Trung ương. Ban Nội chính Trung ương được giao cùng Thường vụ Hội đồng Chính phủ và những cơ quan liên quan chuẩn bị Đề án về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp trình Bộ Chính trị vào tháng 5 năm 1981 cùng với Luật tổ chức một số cơ quan Nhà nước theo Hiến pháp mới 1980.
Năm 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới được Quốc hội thông qua. Năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/CP ngày 4/6/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp trong thời kỳ đổi mới, trong giai đoạn 1993 - 2002, Bộ Tư pháp được tiếp tục giao thêm nhiều trọng trách mới: quản lý công tác thi hành án dân sự; thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; quản lý nhà nước công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách; công tác hoà giải; hoạt động bán đấu giá tài sản; hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm; hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Trọng tài kinh tế...
Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp để phù hợp với vị trí của Bộ trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
Ngày nay, ngành tư pháp vươn lên trở thành “cơ quan tham mưu” tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường hướng phát triển lĩnh vực pháp luật và tư pháp của đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; tham gia chủ động, hiệu quả hơn trong việc xây dựng thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và thể chế tổ chức, hoạt động của Chính phủ, hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng theo các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa về phân công, phối hợp và kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước mà các nghị quyết của Đảng đã đề ra và mới đây đã được ghi nhận rõ trong Hiến pháp năm 2013.
Qua 71 năm xây dựng và phát triển, nhiều lượt tập thể và cá nhân ngành tư pháp đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng quý báu của Đảng, Nhà nước, đặc biệt, Năm 1995, ngành Tư pháp được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2010, chúng ta đón nhận Huân chương Sao Vàng. Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, Ngành tư pháp vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây