Quốc khánh 2-9: Mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc
Thứ sáu - 16/08/2024 06:04
Cách đây 79 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9/1945 chính là ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa và ngày nay chính là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
(Ảnh nguồn Internet)
Ngày 2/9 được xem là một cột mốc chói lọi trong hành trình nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta. Kể từ đó, lịch sử đã bước sang một trang mới: Những người con Việt Nam lần đầu tiên được ngẩng đầu, tự hào với thế giới vì mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Có thể nói, Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của biết bao lớp thế hệ, những người con anh dũng Việt Nam từ hậu phương ra tiến tuyến, từ đất liền đến hải đảo xa xôi, không kể tuổi tác, không kể giai cấp tầng lớp, tất cả đều vì mục đích chung bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Rễ cây luôn bám đất, cũng như con cháu luôn nhớ về nguồn cội của mình, đó là truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt. Khát vọng hòa bình và tinh thần của Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 sẽ mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam, là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập tự do mà cha ông ta đã vất vả tạo dựng. Có được những thời khắc trọng đại ấy, lịch sử đã chứng kiến biết bao chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, xẻ dọc Trường Sơn đánh giặc, những thanh niên xung phong “sống bám đất, chết kiên cường chiến đấu”, những người mẹ, người vợ lần lượt tiễn chồng con ra trận nhưng không hẹn ngày về, những em nhỏ xung phong liên lạc cho tiền tuyến… tất cả đều tái hiện lại như những thước phim tư liệu quay chậm, sống mãi trong ký ức của mỗi người như một bản anh hùng ca bất diệt, trường tồn cùng với hồn thiêng sông núi con người Việt Nam.
“Lá rụng về cội”, mỗi người Việt Nam dù đang ở bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động bồi hồi khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2/9/1945 lịch sử. Tổ quốc ta được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày có ý nghĩa đặc biệt của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(Ảnh nguồn Internet)
79 năm qua, ý Đảng, lòng dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đủ sức lèo lái con tàu cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn để vượt trùng khơi. Sự gắn kết cộng đồng đã giúp Việt Nam làm nên chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh và đang khẳng định vị thế Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Bài học về tình đoàn kết ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay. Đặc biệt, khi toàn Đảng, toàn dân đang quyết tâm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Vũ Thị Hòa - VKSND Tp Chí Linh
(Sưu tầm)