- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam; Anh hùng giải phóng dân tộc; danh nhân văn hoá kiệt xuất; Người tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người mãi mãi là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập, noi theo. Những nơi Người đã từng sống và làm việc dù ở Việt Nam hay ở nhiều nơi trên thế giới, nay trở thành địa danh lịch sử - văn hoá để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (Khu Di tích K9) là địa danh lịch sử - văn hoá như vậy. Nơi đây, từ năm 1957, Bác đã chọn để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Từ năm 1960 - 1969, Người cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người đã tiếp những người bạn, người đồng chí từ Trung Quốc và Liên Xô đến thăm Việt Nam.
Con đường đá thẻ lối lên khu di tích (ảnh nguồn Internet) |
Sau khi Người qua đời, nơi đây được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm nơi chủ yếu để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt (1969-1975). Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cũng là thời điểm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị được khánh thành. Ngày 18/7/1975, đón Bác về yên nghỉ trong ngôi nhà vĩnh hằng của Người tại Ba Đình lịch sử. Khu Di tích K9 trở thành Khu căn cứ dự phòng và là nơi đón tiếp các đoàn đại biểu trong nước đến tham quan, giáo dục truyền thống.
KHÁI QUÁT VỀ KHU DI TÍCH K9
Khu Di tích K9 cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70 km về phía Tây; nằm trong quần thể dãy núi Ba Vì, có độ cao trung bình từ 40 - 50 mét, riêng đỉnh núi U Rồng cao hơn 130 mét. Phía Bắc giáp xã Thuần Mỹ, phía Nam giáp xã Minh Quang, phía Đông giáp xã Ba Trại, thuộc huyện Ba Vì; phía Tây bao bọc bởi sông Đà, bên kia sông là xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ. Nơi đây phong cảnh “Sơn thuỷ hữu tình”, nằm ven sông Đà cuộn chảy, từ đỉnh núi U Rồng có thể phóng tầm nhìn tới thành phố Sơn Tây, Hà Nội và 2 tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ. Diện tích khu vực K9 rộng 234 ha, phần lớn là đồi rừng, có 2 hồ lớn rộng 16,5 ha. Nơi đây có rất nhiều những tảng đá thon nhọn, tựa những mũi chông, ngọn mác mọc từ dưới đất lên, vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông.
Những tảng đá thon nhọn tựa mũi chông (ảnh nguồn Internet) |
K9 LÀ CĂN CỨ CỦA TRUNG ƯƠNG
Tháng 5 năm 1957, trong một lần đi kiểm tra, Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. Sáng ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông và quyết định chọn nơi đây để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Ủy viên Trung ương Đảng và một số đồng chí của Chủ tịch phủ và lãnh đạo tỉnh Sơn Tây. Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn trong khu vực Đá Chông. Sau này nơi đây là nơi tiếp đón các đoàn khách Liên Xô, Trung Quốc tới thăm và là nơi Bộ Chính trị họp bàn những vấn đề quan trọng của đất nước.
K9 LÀ NƠI CHỦ YẾU GIỮ GÌN THI HÀI BÁC GIAI ĐOẠN 1969 – 1975
Khu nhà kính phía dưới là hầm ngầm nơi bảo quản thi hài Bác (nguồn ảnh: in ternet) |
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chủ tịch qua đời. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người để các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế được đến viếng Người. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng Công trình 75A tại Quân y viện 108, Thủ đô Hà Nội để bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác trước khi xây dựng Công trình Lăng. Song từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và một số thành phố, thị xã, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác nếu chiến tranh lan rộng. Đá Chông đã được quyết định chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác.
Sở dĩ Đá Chông được chọn vì nằm trong dải rừng nối liền với núi Ba Vì. Từ trên cao nhìn xuống, các công trình ở đây nằm trong một vệt rừng và cũng không có những đặc điểm địa hình khác biệt, dễ bị chú ý, nên có nhiều thuận lợi trong việc giữ bí mật. Đá Chông không quá xa Thủ đô Hà Nội, di chuyển thi hài Bác tương đối thuận lợi, lại nối liền với các khu vực có địa hình rừng núi an toàn, có thể cơ động trong những tình huống đặc biệt và có một điều không được nói lên thành lời, nhưng trong tâm thức ai cũng biết: Nơi đây lúc sinh thời, Bác Hồ đã chọn là nơi làm việc của Trung ương Đảng. Sau hơn 3 tháng thi công, ngày 15 tháng 12 năm 1969, công trình phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác gồm có phòng giữ gìn thi hài, hầm ngầm đã hoàn thành,
mang mật danh K84 (tức công trình 75 ở Hà Nội + K9 ở Đá Chông thành K84). Trong 6 năm chiến tranh ác liệt và đề phòng thiên tai lũ lụt đe dọa (1969 - 1975), Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện trọn vẹn 6 lần di chuyển thi hài Bác:
Như vậy, trong 6 năm chiến tranh ác liệt, thi hài Bác đã được bảo vệ, giữ gìn chủ yếu tại K84 với tổng thời gian của 3 giai đoạn từ 24/12/1969 - 03/12/1970, 19/8/1971 - 11/7/1972 và từ 8/02/1973 - 18/7/1975 là hơn 4 năm.
Ngày nay khu di tích lịch sử Đá Chông (K9) ngoài địa điểm là nơi tham quan du lịch cho tất cả các du khách đến thăm còn là địa chỉ giáo dục tinh thần yêu nước, lòng kính trọng và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ về sau.
Nguyễn Văn Nhiệm VKSNDTP Hải Dương (tổng hợp) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.