Cách đây 70 năm, quân đội ta đã nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm quân địch, mở màn 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ. 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã lập nên kỳ tích Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đập tan pháo đài bất khả xâm phạm,niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. 56 ngày ấy góp phần thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới trong thế kỷ XX.
Bối cảnh lịch sử
Ngày 02/9/1945, Nhật Bản chính thức đầu hàng quân đồng minh, chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc. Cũng thời điểm này, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, mở ra một giai đoạn lịch sử mới cho dân tộc Việt Nam. Ngày 23/9/1945, Pháp theo chân Anh tấn công vào Miền Nam giải giáp quân Nhật, chính quyền Đờ Gôn quyết đặt lại ách thống trị ở Đông Dương một lần nữa. Lúc này chính quyền cách mạng ta còn non trẻ, đang đức trước muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn chì hoãn 1 cuộc chiến tranh quy mô với Pháp bằng cách lần ký kết Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp vào ngày ngày 06/3/1946) và tạm ước ngày 14/9/1946. Tuy nhiên càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, nhận thấy những nỗ nực đàm phán với Pháp không thành, với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” , đêm ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của toàn dân toàn quân ta chính thức được bắt đầu. Toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng.
Năm 1953, sau 8 năm trở lại Đông Dương, Pháp ngày càng sa lầy vào cuộc chiến và gặp nhiều tổn thất nặng nề về người và của, lợi dụng tình thế này đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực Việt Nam đồng thời bình định cả nam Đông Dương. Theo đó, tháng 5/1953, tướng H.Navarre được điều sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay tướng R.Salan. Chỉ hơn một tháng sau, H.Navarre đã vạch ra kế hoạch chiến lược mới mang tên Kế hoạch Navarre và được Hội đồng Quốc phòng Pháp chấp thuận. Kế hoạch Navarre nuôi tham vọng giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” và tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp.
Quân đội Pháp đánh giá Điện Biên Phủ là vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương nên chọn đây là nơi lập căn cứ. Ngày 20/11/1953 tướng H.Navarre cho quân đổ bộ xuống cánh đồng Mường Thanh, đến đầu tháng 3/1954 lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ khoảng 16.200 quân lính được tổ chức thành 03 phân khu: phân khu Bắc gồm cụm cứ điểm Him Lam có nhiệm vụ án ngữ con đường 41 từ Tuần Giáo về Điện Biên Phủ; cụm cứ điểm Độc Lập có nhiệm vụ án ngữ phía Bắc ngăn chặn con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ và cụm cứ điểm Bản Kéo - phân khu trung tâm gồm các điểm cao phía đông bao gồm các cứ điểm A1, C1, C2, D1, D2, D3, sân bay Mường Thanh và các cứ điểm phía tây Mường Thanh tập trung 2/3 lực lượng quân đội Pháp, phân khu Nam gồm cứ điểm sân bay Hồng Cúm. Pháp được cung cấp đầy đủ các loại pháo, vũ khí, xe tăng và trang thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ. Khó khăn lớn nhất của quân đội ta chính là công tác hậu cần, với cự ly từ 300-400km đường đồi núi việc vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí là vô cùng khó khăn. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ như 1 pháo đài không thể công phá.
Bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh sưu tầm tư liệu Thông tấn xã Việt Nam
Trước diễn biến mới của tình hình, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954. Với bản lĩnh, trí tuệ và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng lại có cái yếu cơ bản là bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương, khó khăn về tiếp tế hậu cần cũng rất lớn, nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả tiền tuyến và hậu phương, ta có khả năng khắc phục được và quân dân ta chắc chắn đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng giữa ta và địch, điều kiện thực tế và triển vọng tình hình của hai bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy, chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh Chiến dịch với tổng lực lượng trên 40.000 người. Cả nước ta tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa sẵn sàng tấn công địch. 261.451 dân công và thanh niên xung phong đã hướng về Điện Biên Phủ để đảm bảo hậu cần phục vụ cho Chiến dịch. Dù phải vận chuyển 15.000 tấn gạo, 19.000 tấn vật chất trong điều kiện đồi núi quân đội ta đã gây bất ngờ lớn cho quân Pháp với đội quân xe đạp thồ với hơn 2.000 người, xe sức tải từ 200-300kg/xe, quân đội ta cho tháo rời các khẩu pháo, vận chuyển lắp ráp lại kéo vào trận địa bằng tay đảm bảo bí mật.
Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Ngày 25/1/1954 các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đã sẵn sàng nổ sung theo phương châm tác chiến đánh nhanh thắng nhanh. Tuy nhiên trước tình hình địch tăng cường lực lượng và bố trí trận địa ở Điện Biên Phủ có nhiều thay đổi, ngày 26/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định họp Đảng ủy chiến dịch. Tại hội nghị, Đại tướng đã trình bày những suy nghĩ của mình xung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau Hội nghị Thẩm Púa và khẳng định: “Không thể đánh theo kế hoạch đã định... Nếu đánh là thất bại”. Với bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quyết chiến, quyết thắng, Đại tướng đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình là: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời, “hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch, lệnh cho bộ đội toàn tuyến rút về vị trí tập kết, kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.
Ngày 30/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ký mật danh Hưng) điện báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị về phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị nhất trí, cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Trong vòng 02 tháng sau đó, quân đội ta tiếp tục đánh nghi binh song song với xây dựng công sự, vận chuyển hậu cần, tất cả chuẩn bị cho trận đánh then chốt dài ngày. Ngày 13/3/1954, sự yên tĩnh ở lòng chảo Điện Biên Phủ đã bị xé toang lúc 17 giờ 05 phút bởi loạt đạn pháo tiến công của Việt Minh vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho đợt 1 của chiến dịch. Tiếp nối chiến thắng vào 03 giờ 30 phút ngày 15/3/1954, quân ta tấn công đồi Độc lập và hoàn toàn làm chủ được đồi Độc lập. Kết thúc đợt tấn công thứ nhất quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 2.000 lính Pháp, phá hủy 25 máy bay, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 của Chiến dịch diễn ra từ ngày 30/3/1954, quân đội ta tấn công cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm Mường Thanh. 18giờ ngày 30/3/1954, quân ta chiếm được cao điểm C1, D1, E1. Quân đội ta thực hiện kế hoạch đào hào, vây lấn, từ từ siết chặt vòng vây quân Pháp trong suốt tháng 4/1954 khiến máy may Pháp không thể hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh. Tháng 4/1954 phong trào thi đua “săn tây bắn tỉa” càng làm cho quân Pháp hoang mang. Nguồn nước bị cắt đứt, điều kiện sống tồi tệ, đối với Pháp, Điện Biên Phủ không còn là niềm tự hào.
Ngày 01/5/1954, đợt tiến công thứ 3 của quân ta bắt đầu nhằm đánh chiếm cứ điểm còn lại khu Trung tâm Mường Thanh, khu Hồng Cúm chiếm được nhiều phân khu quan trọng. Ngày 06/5/1954, quân đội ta đã đào xong đường hầm ngầm dưới đồi A1 và hào giao thông cắt ngang đồi A1- A3, cô lập cứ điểm A1 với khu trung tâm của quân đội Pháp, chất đầy 1 tấn thuốc nổ trong đường hầm và châm lửa. Đêm ngày 06/5/1954 quân Pháp trên hầm A1 hầu hết đã thương vong, bộ đội ta từ ba hướng xung phong, trận chiến diễn ra khốc liệt, đến 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh với tinh thần quả cảm “của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, thu giữ 28 khẩu pháo, 6000 khẩu súng, 03 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lit xăng, bắn rơi 62 máy bay. Thất bại tại Điện Biên Phủ báo hiệu sự kết thúc của chế độ thực dân ở Đông Dương.
Ý nghĩa lịch sử to lớn
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành luỹ của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Đây là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi; đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Phát huy tinh thần “Quyết chiến, Quyết thắng” của Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chủ động nắm bắt thời cơ, vượt mọi khó khăn, thử thách xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; một nửa đất nước được giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành di sản tinh thần quý báu.
Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập chiến công hiển hách Điện Biên Phủ trên không năm 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới gần 30 năm qua, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, thế và lực mới, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954 -07/5/2024) là dịp chúng ta thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới, những bài học và ý nghĩa lớn lao của Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Trong mỗi giai đoạn đi lên của đất nước, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn luôn hiện hữu, đó là ý chí quyết chiến, quyết thắng, khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Bằng khối óc và bàn tay của mình, bằng tài năng và sự sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến khát vọng thành hiện thực, hướng tới xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, mãi mãi trường tồn cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, con người Việt Nam.
|
Nguyễn Hồng Ngọc – VPTH (Sưu tầm) |