Vấn đề bình đẳng giới trong xã hội hiện đại ở nước ta

Thứ tư - 16/10/2024 03:29
Trước đây, khi chế độ mẫu hệ còn tồn tại trong xã hội nguyên thuỷ, người phụ nữ làm chủ gia đình, đóng vai trò lớn lao trong sinh hoạt kinh tế, đời sống xã hội cũng như trong đời sống văn hoá tinh thần. Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, dưới chế độ phong kiến hà khắc, những quan niệm: phu xướng phụ tùy; tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử,… xuất hiện đã hoàn toàn xóa bỏ quyền vị của nữ giới, tạo nên sự bất bình đẳng, hình thành tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà từ đó len sâu bám chặt trở thành định kiến trong mỗi con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Vì vậy, sự nghiệp giải phóng phụ nữ không chỉ là công việc riêng của phụ nữ mà gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, nhà nước ta đã chú ý đến bình đẳng nam, nữ và chú trọng tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển. Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức cũng như hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Nước ta được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.
 Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở nước ta chính là việc hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình… mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ.
 
Ảnh: minh hoạ (nguồn internet)
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007, bao gồm 44 điều được chia thành 6 chương với Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Tại Điều 5, Luật Bình đẳng giới đã định nghĩa: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.”
Luật Bình đẳng giới ra đời đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là việc có các quy định để đảm bảo sự thống nhất trong việc thi hành bao gồm những quy định về nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Các nguyên tắc này là cơ sở để việc thực hiện công tác bình đẳng giới một cách nhất quán. Cùng với các nguyên tắc này, Luật đã quy định việc bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, bao gồm: chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, gia đình.
Đây cũng là cơ sở để xây dựng các quy định, chính sách, cũng như tạo điều kiện cho nam, nữ có cơ hội ngang nhau được tham gia, phát huy năng lực, thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển trong các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, ngày 15/01/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030. Mục tiêu chung của chương trình nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia cũng như rộng ra quốc tế. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế./.
                                                                                                                               Nguyễn Thị Ngọc Chi
                                                                                                                                                VKSND huyện Bình Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây