Nằm tại thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Văn Miếu Mao Điền được coi là di tích lớn thứ hai trong hệ thống Văn miếu Việt Nam, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Kinh đô Thăng Long. Đây là nơi linh thiêng thờ Khổng Tử và các bậc hiền nhân của quốc gia, tượng trưng cho tinh thần hiếu học của con người xứ Đông.
Hình ảnh: Cổng Văn Miếu Mao Điền
Nguồn gốc xây dựng Văn Miếu Mao Điền được ghi lại như sau: xưa kia, Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long, còn gọi là xứ Đông, vốn nổi tiếng là vùng “đất học.”. Triều Lê, một triều đại rất coi trọng Nho giáo, đã xem đây là một trong những trung tâm văn hóa giáo dục lớn của cả nước, tổ chức nhiều kỳ thi Hội tại đây. Từ giữa thế kỷ XV, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, nhà Lê sơ đã xây dựng hàng loạt trường học quốc lập, trong đó có trường thi hương Mao Điền ở huyện Cẩm Giàng.
Vào khoảng năm 1740, sau khi dời trấn lỵ của Hải Dương từ Dinh Lệ (ở Mặc Động, Chí Linh) về Dinh Dậu (Mao Điền), triều đình cho lập Văn Miếu Vĩnh Lại tại huyện Đường An. Dưới thời Tây Sơn, Văn Miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về Mao Điền cùng với trường thi Hương trấn Hải Dương, trở thành trung tâm đào tạo hàng nghìn cử nhân và tiến sĩ Nho học, đứng hàng đầu cả nước. Đến thời Nguyễn, Văn Miếu Mao Điền tiếp tục duy trì vai trò quan trọng của mình cho đến khi triều đại này kết thúc.
Bên cạnh vai trò là trung tâm giáo dục lớn, Văn Miếu Mao Điền còn là nơi thờ Khổng Tử và các vị quan văn, đại nho nổi tiếng của quốc gia. Để khuyến khích học hành, Văn Miếu thường dựng bia ghi danh các vị đại khoa và hương khoa, tôn vinh những người có công trạng trong sự nghiệp giáo dục và khoa cử. Trong số đó, nổi bật là những nho gia tài danh, có mối quan hệ mật thiết với mảnh đất Hải Dương như: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm người từng đỗ thủ khoa cả ba kỳ thi Hương, Hội, và Đình; Chu Văn An- Nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu cho sự liêm khiết và trung nghĩa trong giáo dục; Mạc Đĩnh Chi-Danh nhân văn hóa và ngoại giao, đỗ Trạng nguyên và được mệnh danh là "Lưỡng quốc Trạng nguyên”; Nguyễn Trãi-Anh hùng dân tộc, nhà thơ lớn, và là người góp công lớn trong kháng chiến chống giặc Minh; Tuệ Tĩnh- Danh y, được tôn vinh là ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam; Phạm Sư Mạnh-Nho sĩ, quan văn và là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc của triều Trần; Vũ Hữu- Nhà toán học xuất sắc, tác giả cuốn sách toán học đầu tiên của Việt Nam và Nguyễn Thị Duệ-Nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nổi tiếng với tài năng và trí tuệ vượt trội. Cuộc đời và sự nghiệp của các vị đại khoa này đều gắn liền với những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, họ không chỉ là những tài năng lỗi lạc mà còn trở thành những vị thánh hiền bất tử của miền đất Hải Dương, là nguồn cảm hứng lớn cho các thế hệ sau noi theo.
Hình ảnh: Ban thờ các vị trong văn miếu: Khổng Tử chính giữa, Nguyễn Trãi bên trái, Chu Văn An bên phải
Nhắc đến nền Nho giáo, không thể không nhắc đến hình ảnh “lều chõng”, biểu tượng rõ nét của sự gian khổ và nỗ lực không ngừng của các sĩ tử thời xưa. Những sĩ tử, với khát vọng đỗ đạt làm quan để rạng danh quê hương, mong muốn cống hiến cho đất nước đã không ngần ngại vượt hàng trăm cây số, mang theo chiếc lều chõng trên tay để tham gia các kỳ thi do Triều đình tổ chức. Cũng chính từ những chiếc lều chõng này, nhiều ông Nghè, ông Bảng đã ra đời, làm nên những thành tựu nổi bật trong nền học vấn và văn hóa của đất nước. Tại Văn Miếu Mao Điền đã cho lưu giữ và phụng dựng lại lều chõng nơi thi cử của các sĩ tử thời xưa.
Hình ảnh: Lều Chõng được phục dựng ở Văn Miếu nơi thi cử của các sĩ tỷ ngày xưa
Có thể nói Văn Miếu Mao Điền không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử mà còn là biểu tượng sống động cho tinh thần hiếu học và bền bỉ của con người Hải Dương. Các sĩ tử xưa, với khát vọng học vấn cháy bỏng, đã không ngại gian khó để đến đây, thể hiện sự tôn trọng đối với tri thức và sự quyết tâm không ngừng nghỉ. Tinh thần học tập này không chỉ tạo nên những thế hệ học trò thành đạt mà còn xây dựng nên những giá trị văn hóa trường tồn cho con người xứ Đông. Văn Miếu Mao Điền tiếp tục là nguồn cảm hứng bất tận, nhắc nhở mọi thế hệ chúng ta về tầm quan trọng của việc theo đuổi tri thức và không ngừng nỗ lực trên con đường học vấn. Văn Miếu Mao Điền không chỉ là nơi kết nối quá khứ với hiện tại mà còn là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của nền giáo dục và văn hóa của tương lai.
|
Văn Phúc
VKSND huyện Cẩm Giàng |