Về nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ sáu - 16/10/2020 03:31

Về nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam

(Hướng tới Kỷ niệm ngày thành lập phụ nữ Việt Nam 20-10)

 

Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, đã xuất hiện những tấm gương phụ nữ tiêu biểu, lập nhiều chiến công xuất xắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước - một trong số đó là nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, bà Nguyễn Thị Chiên, người được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 22 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930, tại xóm Trại Đồng, xã Tân Tiến (nay là thị trấn Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) trong gia đình có 5 anh chị em, bà là con út. Cái tên Nguyễn Thị Chiên là do anh em du kích đặt cho bà sau này, còn cha mẹ bà chỉ gọi là Tý Con.


Bà Nguyễn Thị Chiên khi được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ảnh internet)02

Khi mới hơn 10 tuổi, bà Nguyễn Thị Chiên đã tham gia lực lượng du kích. Ban ngày đi làm thuê làm mướn, tối đến bà lại ra ngoài rải truyền đơn bí mật đến chỗ các anh, các chị du kích trong xã tập luyện và làm các công việc các anh, các chị phân công. Bà được các anh chị du kích giao nhiệm vụ rải truyền đơn, kết hợp với bảo vệ vòng ngoài cho các cơ sở bí mật của cách mạng, đồng thời phát hiện nơi ém quân của địch.

Lúc này, Kiến Xương trở thành tâm điểm chú ý của thực dân Pháp. Ngoài công việc được giao từ trước, bà bàn với anh em du kích tìm cách quấy nhiễu và phá hủy các đồn bốt địch, cướp súng, trộm súng của địch cho bộ đội chủ lực. Bà còn cùng với chị em mò cua bắt cá, đem bán lấy tiền đi mua lại súng đạn của những tên lính ngụy để chuyển cho bộ đội.

Tháng 4/1950, trong khi đưa cán bộ về hoạt động tại xã, bà bị địch bắt, giam cầm hơn 3 tháng trời. Giặc hết dụ dỗ đến tra tấn dã man, song người nữ du kích gan dạ kiên quyết không hé răng nửa lời. Những ngày ở lao tù, bà nhớ nhất là những lần bị địch buộc tay chân vào một cây tre rồi đem vứt xuống sông. Chờ bà sắp chết, chúng lại vớt lên nhưng vẫn không moi được thông tin. Địch lại giả vờ đem bà đi bắn. Băng đen bịt mắt, tay chân buộc như tử tù, giặc nổ súng. Bà vẫn không sợ. Không khai thác được thông tin gì và không có chứng cứ buộc tội, cuối cùng, giặc phải thả bà ra.

Ra tù, Nguyễn Thị Chiên tiếp tục lao vào hoạt động du kích. Tháng 10/1951, trong trận phục kích đánh địch trên đường 39, bà bắn bị thương một tên địch, bắt sống 6 tên, thu 4 súng. Tháng 12/1951, khi địch lùng sục vào làng, bà chỉ huy du kích bất ngờ xông ra bắt sống 4 tên địch.

Với thành tích trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1952, tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến ở 5 thôn, xây dựng và chỉ huy Đội du kích xã Tán Thuật (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đánh địch chống càn, phá giao thông đường 39, phá tề, diệt và bắt nhiều địch, Nguyễn Thị Chiên đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1952, Nguyễn Thị Chiên vinh dự là đại biểu nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc (1-6/5/1952). Với những đóng góp của mình, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm ấy bà mới 22 tuổi.

Ngày 10/8/1952, Chủ tịch Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 107/QĐ tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc cho bà cùng 6 chiến sĩ thi đua của các ngành. Không những thế, bà còn được Bác viết bài khen ngợi, tuyên truyền tấm gương gan dạ, dũng cảm cùng thành tích trong chiến đấu trên báo chí và trong nhiều cuộc hội nghị trong kháng chiến chống Pháp.

Sau Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên được cử tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại hội Hòa bình Thế giới tại Viên (Áo) cùng với các nhà trí thức Việt Nam như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, cư sĩ Lê Đình Thám, nhà giáo Đặng Chấn Liêu, nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, Nguyễn Xuân Trâm, Anh hùng Ngô Gia Khảm do đồng chí Xuân Thủy làm trưởng đoàn.

Năm 1953, Nguyễn Thị Chiên chính thức gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Với kinh nghiệm tổ chức và triển khai lực lượng du kích địa phương, bà được điều về Hà Nội với nhiệm vụ phụ trách và quản lý dân quân 4 huyện ngoại thành. Sau nhiều năm công tác tại Tổng cục Chính trị, Quân khu Thủ đô, bà Nguyễn Thị Chiên về hưu với quân hàm Trung tá năm 1984 với thương tật hạng 4/4. Anh hùng Quân đội Nguyễn Thị Chiên qua đời vào sáng 01/6/2016, hưởng thọ 87 tuổi.

                                                                                                                      Nguyễn Quang Hưng (sưu tầm)
VKSND Tp Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây