Vụ án: Văn thần Cao Bá Quát bị khép tội chết vì sửa 24 bài thi trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Chủ nhật - 29/07/2018 21:07

Vụ án: Văn thần Cao Bá Quát bị khép tội chết vì sửa 24 bài thi  trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Trong những ngày qua bê bối liên quan đến gian lận trong kỳ thi THPT ở một số tỉnh phía bắc đang được dư luận cả nước hết sức quan tâm. Sau khi có kết quả thanh tra của Bộ Giáo dục và đào tạo, Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương- là Trưởng, Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật hình sự. Hai bị can này có hành vi nâng điểm thi của 330 bài thi của 114 thí sinh của tỉnh này trong kỳ thi THPT vừa qua.

Sau đó đoàn thanh tra tiếp tục thanh tra tại Hội đồng thi THPT tỉnh Sơn La vì một số thí sinh tham gia có điểm cao “bất thường”. Kết quả bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi. Đặc biệt là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm của một số thí sinh, hiện tại có 5 người (trong đó có 1 Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) liên quan đến sai phạm. Đến đây thì dư luận không khỏi bàng hoàng mà còn bất bình, phẫn nộ về tính chất và hành vi của những người giao trách nhiệm ở khâu trọng yếu trong công tác thi tuyển ở một cấp cực kỳ quan trọng này.

Nhìn lại lịch sử phong kiến Việt Nam dù trong triều đại nào (có lúc hưng thịnh có lúc suy) tuy nhiên các bậc quân chủ đều chú trọng đến việc tổ chức các kỳ thi để chọn người hiền tài làm quan giúp vua giúp nước. Bởi tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” luôn được coi trọng cao nhất. Năm 1075 vua Lý Nhân Tông lần đầu tiên tổ chức kỳ thi “minh kinh bác học” tuyển chọn quan lại thông qua kỳ thi nho học nhằm tìm người thực tài trong thiên hạ ra giúp nước. Đây cũng là sự kiện đặt nền móng cho khoa cử nước ta trong suốt thời kỳ quân chủ. Do tính chất đặc biệt quan trọng của việc tuyển chọn người tài qua thi cử nên các quy định để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi cũng được quy định chặt chẽ. Ví như nhà vua là người trực tiếp ra đề và thẩm định, sát hạch quyết định các vị trí cao nhất như trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Những người coi thi, chấm thi đều phải là những người có kiến thức uyên bác, liêm chính và công tâm.

Chuyện gian lận trong thi cử thời nào cũng có, dưới đây là một ví dụ về vụ gian lận thi cử chấn động trong lịch sử khoa bảng nước ta. Năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Trong lúc chấm thi, ông thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy (viết tên tục của vua). Ông nghĩ rằng không vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người có tài cho nên Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn hòa vào son làm mực chữa 24 bài thi. Trong 24 người có bài được chữa này, 5 người đỗ cử nhân. Trương Đăng Trinh - cháu ruột của đại thần Trương Đăng Quế - có quyển văn thứ 2 bị nội trường đánh hỏng. Phần khảo là Nguyễn Văn Siêu đánh giá bài thi tốt đã nói với quan Ngoại trường Cao Bá Quát liệt Trinh vào hạng đỗ. Cao Bá Quát đồng ý (theo quy định trong thời gian chấm thi, quan Nội trường và quan Ngoại trường không được gặp nhau). Tuy nhiên, thấy Cao Bá Quát viết tốt, Chủ khảo Bùi Quỹ bèn gọi ông ra Ngoại trường viết bảng thí sinh thi đỗ. Viết xong, Cao Bá Quát được Nguyễn Văn Siêu giữ lại qua đêm để uống rượu. Đến khi tra bảng, các sĩ phu xôn xao. Khi bị Bộ Lễ và Viện Đô sát điều tra, Cao Bá Quát nhận tất cả, nói: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”.

Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình. Nguyễn Văn Siêu bị tội phạt trượng (đánh bằng gậy) và tội đồ (đi đày). Chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng chức.

Theo sách Đại Nam thực lục ghi lại, nhà vua phán rằng: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Siêu cho Quát ngủ ở phòng của mình, tuy không có tình tiết gì, nhưng phép trường không thể hỗn tạp như thế được. Đáng lẽ ra cứ theo như luật mà trị tội, nhưng ta tạm gia ơn tha cho tội đồ mà chỉ cách chức, cho gắng sức làm việc để chuộc tội".

 
Chân dung danh nhân Cao Bá Quát- nguồn Interrnet

Vua ban lệnh cho gọi 5 người được chấm đỗ cho thi lại. Nếu đúng văn khá, đáng được đỗ sẽ phong hạng cử nhân. Trong những người này, duy nhất cử nhân thứ 20 là Phan Văn Trị vì bài phú trùng vần, bị đánh hỏng. Sau đó, Cao Bá Quát được giảm án từ “trảm quyết” - chém ngay - thành án “giảo giam hậu” - giam lại, đợi thắt cổ sau. Nguyễn Văn Siêu truyền miễn đánh gậy, giao cho Bộ Lại hiệu lực chuộc tội. Cuối cùng, án Cao Bá Quát được đổi sang tống ngục. Năm 1843, ông được cho đi “dương trình hiệu lực”, nghĩa là được phép lập công chuộc tội, theo đoàn Đào Trí Phú đến Indonesia. Sau đó vài năm, do lập công lớn ông được vào Viện Hàn lâm làm việc.

Nhân câu chuyện trên thấy rằng, dù không có tư lợi trong việc sửa bài thi của Cao Bá Quát, song ông vẫn bị khép vào tội chết mới thấy tính nghiêm túc và công bằng trong khoa cử phong kiến. Trong những năm gần đây Bộ Giáo dục đào tạo đã chính thức áp dụng hình thức tổ chức 2 cuộc thi (tốt nghiệp THPT và thi đại học) chung một đợt. Lấy kết quả của kỳ thi này để xét điểm tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường đại học. Mặt tích cực của cuộc thi đã được dư luận đánh giá cao, giảm chi phí lớn cho xã hội, song những gian lận bị phát hiện vừa qua cũng chỉ ra còn nhiều lỗ hổng cần phải khắc phục. Qua chuyện xưa thấy rằng cần xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm để lấy lại công bằng trong thi cử.

                                                                                                Nguyễn Văn Nhiệm
VKSND TP Hải Dương 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây