- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Trước khi bàn về mối quan hệ giữa chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014, chúng ta cùng tìm hiểu khái quát về chức năng của Nhà nước? Cơ quan thực hiện chức năng Nhà nước? Chức năng là gì? Nhiệm vụ là gì? Quyền hạn là gì (vì quyền hạn luôn đi liền với nhiệm vụ)?
Theo lý luận về Nhà nước và pháp luật thì chức năng của nhà nước là những phương diện (mặt) hoạt động chủ yếu nhà nước nhằm để thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trước nhà nước. Bất kỳ nhà nước nào cũng có hai chức năng là chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. Để thực hiện các chức năng này, nhà nước phải sử dụng nhiều hình thức, phương pháp hoạt động khác nhau thông qua bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan từ trung ương đến địa phương, bao gồm nhiều cơ quan như: Cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp… Có ba hình thức hoạt động chính để thực hiện chức năng nhà nước là xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Các hình thức hoạt động chính này chính là nhiệm vụ thực thi của cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương được phân chia theo những chức năng, nhiệm vụ riêng phù hợp với phạm vi quyền hạn được giao nhằm góp phần thực hiện những chức năng và nhiệm vụ chung của nhà nước.
Theo khoa học xã hội, hiểu một cách đơn giản thì chức năng chính là danh sách những công việc mà vị trí đó, cá nhân đó (ví dụ: chức năng của trưởng phòng A tại cơ quan A…) hoặc cơ quan đó có thể làm. Nhiệm vụ là những công việc cần làm để đảm bảo chức năng của vị trí công việc, của cơ quan thực hiện công việc không bị sai lệch, tất cả các nhiệm vụ chỉ để làm đúng chức năng và làm tròn trách nhiệm của một vị trí, một cơ quan (ngành). Quyền hạn là có quyền trong một giới hạn nhất định và nếu giới hạn càng rộng thì trọng trách, trách nhiệm đặt lên càng nhiều.
Tóm lại: Chức năng là cơ chế do nhà nước đặt ra, quy định. Nhiệm vụ là thực thi, quyền hạn là giới hạn của quyền lực. Chức năng là cái có trước, nhiệm vụ và quyền hạn là cái có sau, quy định chức năng để chế ước nhiệm vụ và quyền hạn, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không được vượt quá quy định của chức năng.
Trở lại mối quan hệ giữa chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014: Về chức năng của VKSND được quy định tại khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013, khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014. Tại khoản 1 Điều 107 Hiến pháp 2013 quy định “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Tại khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Về nhiệm vụ của VKSND được quy định tại khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014. Tại khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Tại khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Theo quy định nêu trên thì sự phù hợp về mối quan hệ giữa chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND có các quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Giữ nguyên quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Bởi lý do:
Quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 là phù hợp, nhiệm vụ của VKSND là bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người… góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Mặc dù nội dung nhiệm vụ, quyền hạn rất rộng nhưng chỉ thực hiện trong phạm vị chức năng là: Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, các nhiệm vụ không nằm trong chức năng của VKSND thì không phải là nhiệm vụ của VKSND.
- Quan điểm thứ hai: Giữ nguyên quy định về chức năng, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của VKSND. Bởi lý do:
Về nhiệm vụ của VKSND là quá rộng vì có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và Pháp luật… tức là bảo vệ trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội… vì Hiến pháp và pháp luật điều chỉnh tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, VKSND muốn bảo vệ được Hiến pháp và Pháp luật thì phải kiểm tra, kiểm sát trên tất cả các lĩnh vực đó (tức là nhiệm vụ còn nhiều hơn so với quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức VKSND năm 1981).
Do vậy, để đảm bảo sự phù hợp giữa chức năng và nhiệm vụ của VKSND thì chức năng của VKSND giữ nguyên nhưng nhiệm vụ của VKSND cần bổ sung thêm cụm từ “trong phạm vi chức năng của mình” trước cụm từ “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ…” Tức là VKSND chỉ được thực thi nhiệm vụ trong phạm vi chức năng đã quy định (như các quy định trước đây tại Điều 127 Hiến pháp 1980; Điều 126 Hiến pháp 1992; Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 1981, Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2002).
- Quan điểm thứ ba: Giữ nguyên quy định về nhiệm vụ, bổ sung thêm quy định về chức năng của VKSND. Bởi lý do:
Hiện nay, VKSND ngoài chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp thì Cục điều tra của VKSND tối cao còn thực thi nhiệm vụ điều tra các vụ án về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin còn làm nhiệm vụ thống kê tội phạm và vi phạm pháp luật… nhiệm vụ của VKSND quy định như Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 là phù hợp với hiện tại và trong tương lai khi Đảng, Quốc hội, Nhà nước có thể còn giao thêm nhiệm vụ cho VKSND, khi đó không cần phải sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi luật.
Do vậy, để đảm bảo mối quan hệ phù hợp giữa chức năng và nhiệm vụ của VKSND thì nhiệm vụ của VKSND giữ nguyên nhưng chức năng của VKSND cần bổ sung thêm cụm từ “và những việc khác theo quy định của pháp luật” sau cụm từ “kiểm sát hoạt động tư pháp”.
Trong ba quan điểm nêu trên, quan điểm thứ ba được nhiều người đồng tình ủng hộ vì là quan điểm phù hợp với thực tiễn và trong tương lai, phù hợp mối quan hệ giữa chức năng và nhiệm vụ. Còn quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai không phù hợp với thực tiễn vì thực tiễn VKSND còn thực hiện thêm nhiệm vụ điều tra các vụ án liên quan đến các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, thống kê tội phạm và vi phạm pháp luật… Mặt khác Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã bỏ cụm từ “ trong phạm vi chức năng của mình” ở nội dung nhiệm vụ của VKSND thì khi sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND cũng không nên bổ sung thêm cụm từ này. Do vậy đề nghị Quốc hội trong thời gian tới khi xem xét cần sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cần xem xét về mối quan hệ giữa chức năng và nhiệm vụ của VKSND để quyết định việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn của đất nước ta./.
Đặng Văn Khoa Viện KSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.