- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, đồng chí Hoàng Quốc Việt rất chú trọng công tác xây dựng Đảng trong hệ thống VKSND; thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở các đơn vị trong ngành Kiểm sát và yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp chú trọng công tác xây dựng Đảng ở đơn vị mình.
Hàng quý, hàng năm, thay mặt Đảng đoàn VKSND tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đều có báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả công tác của ngành KSND; đồng thời chỉ đạo Viện trưởng VKSND các địa phương thực hiện chế độ báo cáo với cấp uỷ Đảng ở địa phương. Sau gần 4 tháng trực tiếp tổ chức và lãnh đạo ngành KSND; ngày 17/11/1960, thay mặt Đảng đoàn VKSND tối cao; đồng chí Hoàng Quốc Việt đã báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả công tác kể từ khi ngành KSND được thành lập và đề xuất với Ban Bí thư Trung ương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm sát.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt
Trên cơ sở đề nghị của đồng chí Hoàng Quốc Việt, ngày 24/11/1960 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có cuộc họp bàn về công tác kiểm sát và ngày 12/12/1960 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Thông tri số 13-TT/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác kiểm sát. Thông tri nêu rõ: “Các cấp uỷ, các Ban, Đảng đoàn, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp… cần nghiên cứu, hiểu rõ tầm quan trọng, tác dụng, nội dung của công tác Kiểm sát, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND các cấp và trách nhiệm của mình đối với cơ quan Kiểm sát, đề ra những biện pháp thiết thực giúp kiện toàn tổ chức và tăng cường hoạt động của VKSND. Cần dùng những biện pháp thích hợp… để làm cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng và nội dung công tác Kiểm sát, ủng hộ cơ quan Kiểm sát. Trong khi tuyên truyền, cần vạch rõ những ưu điểm, thiếu sót trong việc chấp hành pháp luật để cho ai nấy càng thấy rõ: Làm tốt công tác Kiểm sát không những có lợi cho sự nghiệp cách mạng chung mà còn bảo đảm quyền lợi chính đáng của mỗi người… Cần lãnh đạo ngành Kiểm sát tiến hành kiểm tra liên tục và có trọng điểm, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những hành động làm sai pháp luật, chống mọi hành động phá hoại, chống tham ô, lãng phí, chống mọi sự xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của nhân dân... Cần phân công cấp uỷ viên chuyên trách…, cần có kế hoạch đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát, giúp đỡ cán bộ ngành Kiểm sát đi sâu vào nghiệp vụ… Các cấp uỷ cần định kỳ nghe báo cáo để chỉ đạo công tác Kiểm sát, đồng thời cần làm cho các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án có ý thức đúng trong việc phối hợp công tác và chế ước lẫn nhau”.
Tháng 8/1970, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng tập thể Đảng đoàn VKSND tối cao chỉ đạo các đơn vị toàn ngành quán triệt yêu cầu, mục đích và nội dung của cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 195 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng Đảng ở ngoài ngành. Điển hình, cuối năm 1964 đầu năm 1965, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã quan tâm đến việc phối hợp với các cấp Uỷ địa phương tập trung giải quyết tình hình khiếu nại về việc vi phạm quyền dân chủ, tham ô, lãng phí xảy ra ở các hợp tác xã nông nghiệp. Tháng 9 năm 1966, đồng chí đã chỉ đạo VKSND tối cao xây dựng đề cương báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về tình hình cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật. Trong bản Đề cương báo cáo Ban Bí thư Trung ương, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nêu lên những nguyên nhân chủ yếu và đề xuất một số biện pháp khắc phục tình hình vi phạm như “Phải có kế hoạch đấu tranh từng bước, nhưng toàn diện: kết hợp giữa giáo dục tư tưởng và xử lý về kỷ luật (kỷ luật hành chính hoặc đưa ra pháp luật), kết hợp giữa công tác tư tưởng với công tác chấn chỉnh tổ chức và lề lối làm việc, kết hợp giữa cơ quan Nhà nước với lực lượng quần chúng” nhằm chống các vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ngày 24/02/1975, Đảng đoàn VKSND tối cao có Công văn số 279-ĐĐ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương Đảng kiểm tra công tác xây dựng Đảng ở Xưởng dụng cụ cao su thuộc Tổng cục Đường sắt.
Trong những năm 1960 đến năm 1965, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo ngành KSND phối hợp với các ngành, các cấp tập trung phục vụ nhiệm vụ lớn của Đảng như: phục vụ nhiệm vụ trấn áp đối với các thế lực thù địch chống lại sự nghiệp cách mạng; phục vụ nhiệm vụ xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp; phục vụ và hưởng ứng phong trào ba xây, ba chống. Từ kết quả của công tác Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo tổng kết và rút ra những ý kiến đề xuất rất quan trọng với Đảng, Nhà nước như củng cố và tăng cường công tác của Thanh tra Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm của ngành KSND không chỉ phát hiện, xử lý chính xác, kịp thời, có hiệu quả mà còn phải đề xuất khắc phục cả tình trạng tiêu cực trong xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần củng cố tổ chức cơ sở Đảng.
Về xây dựng mối quan hệ công tác giữa VKSND các cấp và giữa ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan, nhất là đối với hệ thống hành pháp được đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt chú trọng. Đồng chí thường nhắc nhở cán bộ Kiểm sát:“Công tác Kiểm sát phải quán triệt đường lối chính sách của Đảng và vận dụng đường lối chính sách của Đảng vào công tác Kiểm sát để phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra trong trong từng thời kỳ cách mạng. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức và hoạt động của VKSND; bởi vì trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta thì việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và bảo vệ pháp luật là luôn thống nhất. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức và điều hành các hoạt động của ngành KSND qua từng thời kỳ và quyết định kết quả công tác của toàn Ngành”. Hoạt động giữa Viện kiểm sát các cấp có sự phối hợp chặt chẽ, kể cả việc phối hợp hoạt động giữa Viện kiểm sát quân sự với VKSND ở các cấp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Nhiều trường hợp Viện kiểm sát địa phương gặp khó khăn trở ngại trong việc đấu tranh giữ vững nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa đã được đồng chí Viện trưởng chỉ đạo VKSND tối cao hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Trong thời gian làm Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chủ động, chủ trì thực hiện tốt các hoạt động phối hợp với các ngành hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nổi bật cho hoạt động phối hợp này là: Ngày 09/03/1974, tại VKSND tối cao, Đảng đoàn 4 cơ quan Bộ Công an, Uỷ ban Thanh tra Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và VKSND tối cao đã họp liên tịch, do đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì để bàn về công tác phối hợp đảm bảo thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW ngày 12/01/1974 của Bộ Chính trị về cuộc đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, chống làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống nhân dân. Ngày 26/6/1974, thay mặt ba ngành và Đảng đoàn ba cơ quan Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, VKSND tối cao; đồng chí Hoàng Quốc Việt đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phối hợp đảm bảo thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW nêu trên. Ngày 13/3/1968, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chủ trì cuộc họp cùng các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Phạm Văn Bạch, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cùng các chuyên viên của ba cơ quan và đại diện của Ban Pháp chế Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Nội chính Chính phủ để kiểm điểm về mối quan hệ giữa ba ngành trong công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Ngày 22/5/1974, Đảng đoàn ba cơ quan Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, VKSND tối cao họp liên tịch thống nhất áp dụng thủ tục rút ngắn nhằm phục vụ kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết 228-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Kỷ niệm 117 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt, cá nhân tôi xét thấyĐồng chí Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên, người xây móng, đặt nền cho ngành Kiểm sát từ ngày đầu mới thành lập. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm nhận nhiều trọng trách, đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt thể hiện đậm nét qua từng giai đoạn lịch sử, gắn với quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí, đồng chí để lại cho thế hệ sau nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, là tấm gương sáng cho mỗi công chức và người lao động ngành Kiểm sát noi theo.
Phạm Văn Ngoan VKSND huyện Bình Giang |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.