- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Như chúng ta đã biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên. Bác đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Về vị trí, vai trò của cán bộ, Bác khẳng định: “Cán bộ quyết định mọi việc, các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”. Mỗi ngành, nghề, Bác đều có những bài viết, những câu nói về đạo đức cách mạng thật giản dị mà sâu sắc, đó là kim chỉ nam cho mỗi cán bộ, đảng viên ở ngành, nghề đó phấn đấu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Cán bộ, công chức và người lao động trong ngành luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát, đó là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy ấy của Bác là phương châm, mục đích của mỗi cán bộ trong ngành Kiểm sát cần thiết phải ra sức phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với lời dạy của Bác. Đồng thời lời dậy ấy đã được thể chế hóa tại Quyết định số 21/QĐ-VKSTC ngày 07/02/2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát; áp dụng đối với cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức khác, viên chức công tác tại Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp. Theo đó:
Công minh là Phải luôn công tâm, công bằng, sáng suốt, minh bạch, nghiêm minh, nhân văn trong xử lý công việc.Trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc phải luôn bảo đảm đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Phải luôn nhận thức các vấn đề một cách đúng đắn, không vì động cơ cá nhân, tư lợi, vụ lợi mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng.Không bị tác động, chi phối bởi bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào; không sợ quyền uy, không thể mua chuộc.
Chính trực: Phải luôn trung thực, thẳng thắn, chân thành, theo đúng lẽ phải, luôn coi trọng công việc, có quan điểm rõ ràng trong giải quyết công việc. Có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao; dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình; mạnh dạn, quyết đoán đề xuất các hình thức, biện pháp sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong giải quyết công việc.
Khách quan là những thực trạng tồn tại ngoài ý thức của con người; là tất cả những thực trạng tồn tại không phụ thuộc vào ý nghĩ chủ quan, suy diễn. Có thể nói khách quan là tiêu chuẩn về thế giới quan và phương pháp luận về nhận thức và hành động của người cán bộ Kiểm sát. Khi xem xét một sự việc, một con người phạm pháp phải thật sự khách quan, không được suy diễn chủ quan, phản ánh đúng và đầy đủ trong hồ sơ, tài liệu.
Thận trọng: Khi giải quyết công việc phải cân nhắc, đi sâu tìm hiểu, phân tích làm rõ bản chất sự việc để tránh sai sót khi đưa ra quyết định. Xác định đầy đủ yêu cầu chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để giải quyết vụ án, vụ việc đúng pháp luật, bảo đảm nghiêm minh, kịp thời; đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của trung ương và địa phương.Kiên quyết chống lại “căn bệnh” qua loa, đại khái, xem xét sự việc một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm.Thận trọng nhưng không được do dự, chần chừ; kiên quyết nhưng không được chủ quan, nóng vội dẫn đến giải quyết vụ, việc thiếu chính xác.
Khiêm tốn: Luôn có ý thức, thái độ đúng mực trong nhìn nhận, đánh giá bản thân, cầu thị, nêu gương, giản dị, hòa đồng, có ý thức giữ gìn hình ảnh của ngành Kiểm sát nhân dân. Không quan liêu, cửa quyền, hách dịch; không tự mãn, tự cao, tự đại, coi thường người khác; luôn tôn trọng và phục vụ nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn đại biểu VKSND tối cao Liên Xô nhân dịp Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát thật ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu nhưng vô cùng sâu sắc, cao quý và mang tính thời đại, đã in đậm trong tâm trí của mỗi cán bộ Kiểm sát. Những đức tính của người cán bộ Kiểm sát mà Bác dạy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành một thể thống nhất, đó chính là “đạo đức cách mạng” của người cán bộ Kiểm sát. Nhân kỷ niệm 63 năm, ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/20203), đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm sát đã đạt được trong suốt thời gian qua, cũng là dịp để mỗi cán bộ Kiểm sát ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học tập và làm theo lời Bác dạy./.
Lê Thị Thu Thanh VKSND TP Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.