Một số điểm mới của Quy định 69-QĐ/TW về Kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm

Thứ hai - 27/02/2023 21:18

Một số điểm mới của Quy định 69-QĐ/TW về Kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm

Ngày 06/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm thay thế Quy định số 07 ngày 28/8/2018 về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm và Quy định số 102 ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Xin giới thiệu một số điểm mới nổi bật của Quy định trên.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

1. Gộp chung quy định về kỷ luật Đảng và kỷ luật tổ chức Đảng

Trước đây, quy định về kỷ luật Đảng viên và kỷ luật tổ chức Đảng được nêu tại hai văn bản khác nhau
gồm Quy định 102-QĐ/TW về kỷ luật Đảng viên và Quy định 07-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng.
      Tuy nhiên, đến Quy định 69 về kỷ luật Đảng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã gộp cả quy định về kỷ luật Đảng viên và kỷ luật tổ chức Đảng vào cùng một văn bản. Theo đó, hình thức kỷ luật Đảng viên và tổ chức Đảng được nêu tại Điều 7 Quy định 69 gồm:
      - Tổ chức Đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
      - Đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức nếu Đảng viên chính thức có chức vụ, khai trừ.
      - Đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

2. Về kỷ luật Đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5?
      Trước đây, theo Điều 27 Quy định 102-QĐ/TW, việc kỷ luật Đảng viên vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình có nêu rõ hình thức kỷ luật với trường hợp Đảng viên sinh con thứ ba:
      - Sinh con thứ ba: Khiển trách.
      - Sinh con thứ tư: Cảnh cáo hoặc cách chức nếu Đảng viên đó có chức vụ.
      - Sinh con thứ năm trở lên: Khai trừ
      Trong khi đó  việc sinh con thứ ba, thứ tư và thứ năm trở lên tại Quy định 69 về kỷ luật Đảng không còn được “gọi tên” cụ thể mà thay vào đó, Điều 52 Quy định 69 chỉ nêu:
      - Vi phạm chính sách dân số: Bị Khiển trách
     - Tái phạm việc vi phạm chính sách dân số: Cảnh cáo hoặc cách chức nếu Đảng viên đó có chức vụ.
      - Nếu vi phạm chính sách dân số gây ra hậu quả rất nghiêm trọng: Khai trừ.

Điểm đáng chú ý của Quy định 69 so với Quy định 102 trước đây là:

Trước đây, áp dụng Quy định 102, khi đảng viên vi phạm chính sách dân số, do nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai sản có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên thì có thể không bị xem xét xử lý kỷ luật thì nay theo Quy định 69, đảng viên vẫn bị xử lý kỷ luật, nhưng được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật. (theo hướng dẫn tại điểm 8.1 Điều 8 Hướng dẫn 05-HD/UBKTTW ngày 21/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm).

3. Thêm trường hợp chưa/không/miễn kỷ luật Đảng viên
      Trước đây Điều 5 Quy định 102 chỉ đặt ra 02 khoản quy định về các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật Đảng viên gồm:
      - Chưa xem xét kỷ luật
      + Đang mang thai, nghỉ thai sản
      + Đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú trong bệnh viện.
      - Không kỷ luật: Đảng viên vi phạm đã qua đời trừ trường hợp người này vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
      Trong khi đó, theo khoản 14 Điều 2, Quy định 69, trường hợp chưa, không hoặc miễn kỷ luật Đảng viên gồm:
      - Chưa xem xét kỷ luật
     + Đảng viên là nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc là nam nhưng do vợ chết hoặc vì khách quan, bất khả kháng cũng đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
      + Bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Nhưng nếu người này có sức khỏe ổn định (được ra viện) thì vẫn bị xem xét kỷ luật.
      + Đảng viên đã qua đời thì không kỷ luật trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
      - Chưa thi hành kỷ luật
      Đảng viên bị tuyên bố mất tích: Vẫn xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý. Khi phát hiện người này còn sống thì thi hành.
      - Miễn kỷ luật
     + Đảng viên thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo nhưng xảy ra thiệt hại và nguyên nhân để xảy ra thiệt hại do khách quan, thực hiện đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.
      + Do chấp hành quyết định sai trái của cấp trên hoặc bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo bằng văn bản về ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện.
     Như vậy, so với quy định cũ, Quy định 69 về kỷ luật Đảng đã bổ sung và nêu cụ thể các trường hợp được miễn hoặc hoãn kỷ luật, chưa thi hành kỷ luật.

4. Bổ sung thêm một số hành vi Đảng viên bị kỷ luật

      4.1 Đảng viên chạy chức chạy quyền
      Đây là lần đầu tiên các văn bản về xử ký kỷ luật Đảng đề cập đến mức kỷ luật khi Đảng viên chạy chức, chạy quyền. Trước đây, tại Điều 13 Quy định 205 về kiểm soát quyền lực có đề cập đến cách xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
      Trong đó, hình thức kỷ luật cao nhất là bị khai trừ khỏi Đảng và tương quan giữa các hình thức kỷ luật Đảng với xử lý hành chính. Tuy nhiên, Quy định 205 không đề cập cụ thể các hành vi sẽ bị kỷ luật Đảng là gì.
      Do đó, tại Quy đinh 69 về kỷ luật Đảng này, Ban Chấp hành TW đã nêu cụ thể hơn.
       4.2. Đảng viên dùng bằng giả
      So với quy định trước đây, Quy định 69 đã bổ sung thêm một số hành vi bị kỷ luật khi sử dụng quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, đơn cử như:
      - Khiển trách: Mua, bán, tặng cho văn bằng, chứng chỉ gây hậu quả ít nghiêm trọng (khoản 1 Điều 35).
     - Cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ: Cho mượn, thuê văn bằng, chứng chỉ (khoản 2 Điều 35).
     - Khai trừ: Dùng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc không hợp pháp để tuyển dụng vào cơ quan, để được kết nạp Đảng, được đi học, bổ nhiệm, thi nâng ngạch… (khoản 3 Điều 35).
      4.3 Đảng viên sống chung với người khác không đăng ký kết hôn
      Đây tiếp tục là một trong những điểm mới của Quy định 69 về kỷ luật Đảng viên so với Quy định 102 trước đây. Theo đó, điểm e khoản 1 Điều 51 Quy định 69 nêu rõ:
     1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
      e) Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng.
      Theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc một người đang có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc ngược lại là một trong những hành vi bị cấm. Trước đây, Quy định 102 không quy định hình thức kỷ luật với Đảng viên có hành vi này.
      Tuy nhiên, Điều 51 Quy định 69 đã quy định về hình thức kỷ luật Đảng viên bằng hình thức khiển trách nếu vi phạm điều cấm trên của luật. Đây cũng là hình thức kỷ luật với hành vi vi phạm về mang thai hộ (trước đây Quy định 102 cũng không quy định hình thức kỷ luật với vi phạm này).
      Nếu tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng về hành vi trên, Đảng viên có thể bị cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ. Nặng hơn, nếu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị khai trừ./.

                                                                       Nguyễn Duy Khánh - Phòng 15 giới thiệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây