Bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, xem đó là một trong những mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình phát triển của đất nước. Cùng với sự nổ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, đến nay nhiều thành tựu về bình đẳng giới đã đạt được khẳng định. Đặc biệt với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ đã từng bước thực hiện thúc đẩy vấn đề Bình đẳng giới.
Mặc dù tình hình kinh tế của đất nước đang ngày càng phát triển, nhưng một số nơi vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng nho giáo nên việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều thách thức, điển hình là tư tưởng mang tính định kiến về giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, đặc biệt tại một số hộ gia đình vấn đề gia trưởng, trọng nam khinh nữ vẫn còn xảy ra.
Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như: quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, sinh con trai hay con gái, chăm sóc nuôi dạy con cái… trên cơ sở chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau tạo sự đồng thuận… Sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ chia sẽ của cả vợ và chồng giúp cho sự phát triển của gia đình được ổn định và bền vững.
Ảnh: minh hoạ (nguồn internet)
Ngày nay, cùng với sự phát triển, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng đã được nâng lên rất nhiều so với trước.
Tuy nhiên, xét về thực trạng vấn đề giới ở nước ta vẫn còn những bức xúc trong gia đình như: Một số chị em phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu, vẫn còn những tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con,chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra ở một số nơi…
Nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới trong gia đình là do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến gia trưởng cùng với sự thay đổi chậm chạp của ý thức xã hội của một số nơi, một số cá nhân và hầu như nam giới chưa thay đổi quan niệm trụ cột của mình với gia đình. Chính họ đã tự đặt cho mình trọng trách lớn, phụ nữ còn tự ti luôn nghĩ mình là người hỗ trợ cho vai trò trụ cột của chồng. Đối với những gia đình ở khu vực nông thôn, sự chuyển dịch nhân công lao động từ nông thôn ra thành thị đã làm cho những người phụ nữ ở lại địa phương thêm gánh nặng, vừa đảm nhận lao động sản xuất vừa lo toan việc nội trợ gia đình. Trình độ học vấn cũng góp phần quan trọng trong việc tạo quyền quyết định trong gia đình. Nếu trong gia đình cả hai vợ chồng có học vấn tốt thì sự bàn bạc thỏa thuận đi đến đồng tình chiếm tỷ lệ lớn, nếu người vợ có trình độ thấp thì quyền quyết định mọi mặt chủ yếu vẫn là chồng và ngược lại. Mặc khác, vấn đề kinh tế gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng trong gia đình.
Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình giúp con cái mỗi gia đình được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, học hành phát triển, lớn lên trở thành những công dân tốt của xã hội. Sự quan tâm, giáo dục của gia đình đối với con cái là môi trường quan trọng giúp mỗi con người hòa nhập vào cộng đồng, thích ứng với đòi hỏi về nghề nghiệp, đạo đức, vốn sống của mỗi con người nhằm giúp con cái phòng tránh những tệ nạn xã hội nảy sinh. Quá trình xã hội hóa giáo dục được tạo bởi 03 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người; sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau của mỗi thành viên trong gia đình giúp mỗi người có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần.
Do vậy, để thực hiện Bình đẳng giới trong gia đình hiện nay tác giả xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất: Cần tăng cường tuyên truyền giáo dục các vần đề giới, bình đẳng giới trong gia đình được quy định trong các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Từ đó, mỗi người ý thức tốt về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”
Thứ hai: Tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình; không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định vai trò ví trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
Thứ ba: Đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường (đặc biệt là các trường THPT), giúp cho thanh thiếu niên nhận thức được những vần đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống. Giúp các em ý thức được trách nhiệm trong xây dựng gia đình sau này.
Thứ tư: Nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò gia đình và bình đẳng giới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về bình đẳng giới. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hành vi bạo lực gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình được bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau thì xã hội sẽ đạt được dân chủ, công bằng và văn minh
Để có được bình đẳng giới bền vững trong xã hội phải bắt đầu từ trong mỗi gia đình.Thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình là biện pháp hữu hiệu để xây dựng một xã hội no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Chúng ta tin rằng, với những giải pháp đã - đang và sẽ thực hiện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong thời gian tới vấn đề Bình đẳng giới sẽ đạt được những kết quả khả quan, bảo đảm bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đời sống của cộng đồng dân cư./.